VN-Index có khả năng sẽ tăng giảm đan xen
Chỉ số VN-Index tiếp tục nhịp hồi phục kỹ thuật và đang tiến gần đến ngưỡng kháng cự 1.230 - 1.250 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình do sự thận trọng của thị trường chung cùng với tuần giao dịch ngắn khiến nhiều nhà đầu tư chờ đợi tuần giao dịch tiếp theo để tham gia. Vì vậy, mức tăng trong tuần qua vẫn còn mang tính hồi phục kỹ thuật trên nền thanh khoản thấp và tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh. Vùng hỗ trợ gần nhất cho chỉ số chung là 1.160 - 1.170 điểm, còn ngưỡng kháng cự là 1.230 điểm.
Chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có những phiên giao dịch giằng co, tăng giảm đan xen, khi VN-Index tiến đến vùng 1.230 - 1.250 điểm, nhất là khi tâm lý thị trường chưa thực sự lạc quan trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô chỉ ra bức tranh dần trở nên sáng hơn như kim ngạch xuất nhập khẩu thặng dư tốt, nguồn vốn FDI dồi dào, sản xuất công nghiệp quay lại đà tăng trưởng…, thị trường chung sẽ sớm hồi phục. Do đó, các nhịp điều chỉnh là cơ hội tích lũy các cổ phiếu vốn hóa lớn có nền tảng cơ bản tích cực và tiềm năng từ kết quả kinh doanh khả quan.
Hạ tầng có nhiều dư địa tăng trưởng
Năm 2024 là năm thứ 4 trong kế hoạch triển khai vốn đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Hiện tại, lượng vốn phân bổ cho giai đoạn 2024 - 2025 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, một con số tương đối lớn trong kế hoạch chi tiêu của Chính phủ thời gian tới.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Chính phủ là 657.000 tỷ đồng, tăng 12% so với mức thực hiện năm 2023, trong đó khoảng 62% sẽ được phân bổ cho các công trình hạ tầng giao thông. Có thể thấy, định hướng đầu tư công vẫn tập trung vào việc phát triển mạng lưới giao thông và hạ tầng.
Tâm lý thị trường chưa thực sự lạc quan, nhưng trong bối cảnh vĩ mô dần sáng hơn, VN-Index dự kiến sẽ có diễn biến khả quan.
Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp đang chiếm một phần quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế. Với việc các trung tâm công nghiệp lớn dần trở nên chật chội, nhu cầu mở rộng các cụm công nghiệp vệ tinh tương đối lớn. Theo đó, hạ tầng cần phát triển tương ứng để đáp ứng các nhu cầu về vận tải, nhằm đảm bảo sự thông suốt trong chuỗi cung ứng. Trong mô hình kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, sự phát triển hạ tầng là một cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng nhanh và mạnh của quốc gia này nhiều năm trước.
Ngoài ra, mạng lưới cao tốc ở Việt Nam đa phần đã được thông xe và đưa vào vận hành, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế về quy mô cũng như điều kiện kỹ thuật. Trong tương lai, các tuyến cao tốc có thể sẽ nhận được nguồn lực đầu tư phù hợp hơn để mở rộng, nâng cấp. Các chính sách và mô hình triển khai các dự án hạ tầng thời gian tới có thể được cải tiến để thúc đẩy nhà đầu tư tham gia cũng như nâng cao tính hiệu quả.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng sẽ được khởi công, qua đó dần hoàn thiện cấu trúc hạ tầng. Với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp FDI có giá trị gia tăng cao, bên cạnh việc ưu tiên về chính sách, ưu đãi, một hệ thống hạ tầng hoàn thiện để đảm bảo sự xuyên suốt trong chuỗi logistics của các doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng. Tất nhiên, trong xu hướng đó, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, tiếp đến là các doanh nghiệp vật liệu xây dựng có cơ hội hưởng lợi, khi khối lượng công việc gia tăng và nhu cầu về vật liệu cũng gia tăng tương ứng.