Việc tiến sát vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm khiến thị trường trở nên rung lắc hơn. Sau phiên 2 phiên biến động giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu vào cuối tuần trước, chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì xu hướng này khi bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 26/8. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép và họ Vingroup, đã giúp thị trường thoát hiểm và tạm khép lại phiên sáng trong sắc xanh nhạt.
Bước sang phiên giao dịch chiều, với điểm tựa khá mong manh, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng trở lại trạng thái giằng co nhẹ trong bối cảnh thị trường chung diễn biến phân hóa.
Sau hơn 1 giờ rung lắc nhẹ, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng trên diện rộng, đã khiến VN-Index lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu khi sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử. Tuy nhiên, lực bán không quá lớn nên đà giảm không quá sâu.
Chỉ số VN-Index kết phiên chỉ mất 5,3 điểm, bảo toàn thành công vùng giá 1.280 điểm và nhóm cổ phiếu "chỉ báo" cho thị trường là chứng khoán vẫn ngược dòng thành công, điều này cho thấy thị trường vẫn trong xu hướng điều chỉnh tích lũy để lấy đà tiến tới vùng đỉnh ngắn hạn 1.300 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 148 mã tăng và 259 mã giảm, VN-Index giảm 5,3 điểm (-0,41%) xuống 1.280,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 775,5 triệu đơn vị, giá trị gần 18.302 tỷ đồng, tăng 6,98% về khối lượng và 8,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 83,33 triệu đơn vị, giá trị 1.715,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 giao dịch kém khả quan khi có tới 21 mã giảm và chỉ 6 mã tăng. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu Vingroup vẫn tích cực hỗ trợ thị trường khi đóng cửa đều là các mã tăng tốt nhất trong rổ này, với VHM tăng 1,9%, VRE tăng 1,8% và VIC tăng 1,4%; đồng thời thanh khoản cũng sôi động với VHM thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường, đạt hơn 15,6 triệu đơn vị; VRE cũng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị.
Trái lại, các mã MSN, BCM, VNM đều giảm hơn 2% và đóng cửa cùng đứng ở vùng giá thấp nhất trong ngày; FPT giảm 1,2% và cũng đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày…
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều điều chỉnh nhẹ khi sắc đỏ chiếm áp đảo với CTG, MBB, SHB, STB, TPB, BID, EIB, VIB… đều đóng cửa dưới mốc tham chiếu. Chỉ còn một vài mã ngược dòng thành công, trong đó VPB vẫn là mã tăng tốt nhất dù biên độ thu hẹp đáng kể khi kết phiên chỉ còn tăng 1,3% lên mức 19.000 đồng/CP, thanh khoản duy trì vị trí dẫn đầu thị trường với 39,61 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng quay đầu, với HPG giảm nhẹ 0,2%, HSG giảm 0,9%, NKG giảm 1,1%...
Các nhóm khác như phân bón – hóa chất, hay công nghệ thông tin cũng đều giảm nhẹ. Đặc biệt là nhóm tiêu dùng và bán lẻ có mức giảm mạnh hơn bởi sức ép đến từ MSN và VNM cùng giảm hơn 2%, hay PNJ giảm 5,79%, FRT giảm 1,56%, DGW giảm 1,78%, PET giảm 1,76%...
Trong bộ 3 trụ cột thì nhóm chứng khoán là nhóm duy nhất ngược dòng thị trường chung thành công. Điểm sáng là HCM kết phiên tăng 3,3% lên mức 29.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,83 triệu đơn vị; cặp đôi SSI và VND tăng 0,5-1% với khối lượng khớp lệnh thuộc top 10 mã sôi động nhất khi đạt trên dưới 18 triệu đơn vị. Các mã chứng khoán khác như VCI tăng 2,11%, ORS tăng 1,53%, TVS tăng 3,37%...
Trên sàn HNX, mặc dù khá nỗ lực để hồi phục nhưng áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến HNX-Index lùi sâu hơn.
Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng 88 75 mã giảm, HNX-Index giảm 1,1 điểm (-0,46%) xuống 238,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 55,5 triệu đơn vị, giá trị 1.052,34 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,51 triệu đơn vị, giá trị 191,32 tỷ đồng. Trong đó, HUT thỏa thuận hơn 2,97 triệu đơn vị, giá trị 51,33 tỷ đồng; DNP thỏa thuận 2,2 triệu đơn vị, giá trị 44 tỷ đồng; GKM thỏa thuận 1,14 triệu đơn vị, giá trị đạt gần 45,2 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giảm khá mạnh khi để mất hơn 5 điểm, trong đó chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là DVM tăng 2%, PVG tăng 1,4%, VC3 tăng 1%, DHT nhích nhẹ 0,1%; trong khi có tới 21 mã giảm với TNG giảm sâu nhất là 2,5%; tiếp theo là NTP giảm 2,4%, LAS giảm 2,3%, NVB giảm 2,1%...
Ở nhóm cổ phiếu và và nhỏ, AAV vẫn ngược dòng tỏa sáng khi kết phiên tăng 6,3% lên mức 6.700 đồng/CP và khớp 2,17 triệu đơn vị. Đặc biệt là MST duy trì sắc tím khi kết phiên tăng 8,3% lên mức 5.200 đồng/CP và khớp 1,37 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX kém khả quan hơn trên sàn HOSE. Trong đó, cổ phiếu SHS vẫn có thanh khoản vượt trội nhất thị trường với 11,23 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên cũng đảo chiều giảm nhẹ 0,6% xuống mức 16.700 đồng/CP. Các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS giảm 0,3% và khớp 2,89 triệu đơn vị, APS giảm 3,9% và khớp 1,21 triệu đơn vị, BVS giảm 1% và khớp gần 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,26%) xuống 94,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,62 triệu đơn vị, giá trị 511 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,64 triệu đơn vị, giá trị 11,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR rung lắc nhẹ và đóng cửa đứng giá tham chiếu 23.900 đồng/CP với thanh khoản duy trì vị trí dẫn đầu thị trường với hơn 7,87 triệu đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí khác là OIL đóng cửa giảm 1,9% xuống mức 15.100 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua BSR, đạt 2,44 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu có diễn biến tích cực hơn là ABB đóng cửa tăng 1,3%, TVN tăng 2,1%, VGT đứng giá tham chiếu, với thanh khoản cùng đạt hơn 1-1,5 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ nhẹ, trong đó VN30F2409 đáo hạn gần nhất tăng 1,7 điểm, tương đương +0,1% lên 1.317 điểm, khớp lệnh hơn 152.170 đơn vị, khối lượng mở gần 45.930 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CMSN2403 có thanh khoản tốt nhất, đạt gần 3,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 14,3% xuống 720 đồng/cq; tiếp theo là CVPB2315 khớp lệnh gần 3,12 triệu đơn vị, đóng cửa tại mốc tham chiếu 170 đồng/cq.