Văn Phú Invest dự kiến sẽ nộp hồ sơ lên Sở GDCK TP.HCM ngay sau khi được ĐHĐCĐ chấp thuận kế hoạch chuyển sàn

Văn Phú Invest dự kiến sẽ nộp hồ sơ lên Sở GDCK TP.HCM ngay sau khi được ĐHĐCĐ chấp thuận kế hoạch chuyển sàn

VN-Index lên đỉnh: Doanh nghiệp cần chủ động khẳng định giá trị cổ phiếu

(ĐTCK) Trong khi chỉ số giá trên thu nhập (P/E) trung bình của thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên đến hơn 20 lần và được cho là không còn rẻ thì nhiều cổ phiếu vẫn chỉ giao dịch ở mức P/E 6 -  7 lần, thấp hơn mặt bằng chung của thị trường hoặc thấp hơn trung bình ngành. 

Đáng chú ý là mặc dù định giá thấp, doanh nghiệp hoạt động tốt với kết quả lợi nhuận khả quan nhưng giá các cổ phiếu cứ… không tăng. Tình trạng đó kéo dài khiến lãnh đạo doanh nghiệp đang phải tìm nhiều cách để giá trị cổ phiếu phản ánh giá trị thực.

Giá cổ phiếu “vô cảm”?

Giá cổ phiếu HDC của Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu gần như không tăng trong năm 2017 và tiếp tục đà giảm, xuống 13.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 2 vừa qua, mặc dù Công ty công bố kế hoạch tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận 130 tỷ đồng năm 2018, năm 2019 dự kiến là 180 tỷ đồng, năm 2020 là 250 tỷ đồng.

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 3, HDC đã quyết định công bố mua vào 4 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá cổ phiếu. Lúc này, thị giá HDC ở mức 14.000 đồng/cổ phiếu, chỉ tương đương P/E khoảng 7 lần.

“Việc mua cổ phiếu quỹ giống như một thông điệp đến thị trường rằng giá cổ phiếu HDC dưới giá trị thực. Đây là một biện pháp tạm thời của Công ty vì về dài hạn chúng tôi cần tăng vốn để đáp ứng vốn đối ứng các dự án chứ không phải giảm vốn. Việc định mức giá mua không quá 17.000 đồng/cổ phiếu là Công ty không xác định sẽ mua bằng khoản tiền mua cổ phiếu quỹ được tính toán phù hợp với tài chính Công ty”, ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT HDC chia sẻ.

Xét về quỹ đất, HDC có lợi thế sở hữu các dự án tại vị trí đắc địa ở Vũng Tàu với giá vốn rẻ do Công ty đã mua hoặc tham gia mua đấu giá từ nhiều năm trước. “Nhiều đối tác muốn hợp tác, mua cổ phần HDC phát hành, nhưng HDC rất cân nhắc, bởi sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông hiện hữu. Chúng tôi sẽ cân nhắc sử dụng vốn vay, dòng tiền từ bán các dự án để tái đầu tư làm sao đảm bảo quyền lợi cổ đông”, ông Thuận lý giải về việc chia cổ tức năm 2017 tỷ lệ 12% bằng cổ phiếu.

Cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã tăng giá 100% tính từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, chính thành viên Hội đồng quản trị đã gợi ý các cổ đông nhỏ nên đặt câu hỏi với Chủ tịch PDR, đồng thời là cổ đông sáng lập, ông Nguyễn Văn Đạt, về tương lai phát triển của Công ty để yên tâm đầu tư cổ phiếu lâu dài.

Tại Đại hội, ông Đạt đã lần đầu tiên chia sẻ với cổ đông về các dự án BT mà PDR đang theo đuổi, ngoài những dự án đã công bố chính thức. Cụ thể, ông Đạt cho biết, ngoài 3 dự án BT đã công bố, PDR đang theo đuổi nhiều dự án khác như đang làm hồ sơ BT đường vành đai 2 (có tổng vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng); đang làm hồ sơ dự án đường vành đai 3 (tổng vốn đầu tư đường là hơn 9.900 tỷ đồng) và khai thác quỹ đất hai bên tổng diện tích 3.800 ha. Dự án thứ ba là xin cải tạo chấn chỉnh đô thị phường 1, quận 3, TP.HCM với tổng diện tích 15 ha.

Với các hợp đồng BT đang thực hiện, theo kế hoạch quý III/2018, PDR sẽ hoàn thành dự án Phan Đình Phùng, sau đó sẽ nhận dự án 3 ha ở quận 11, TP.HCM. Nếu làm xong dự án Bệnh viên Chấn thương chỉnh hình, xây trong 2 năm, PDR có 4 ha ở quận 2 vị trí đẹp. Các cảng ICD xây xong sẽ có quỹ đất hàng nghìn tỷ đồng.

“PDR không bao giờ hết quỹ đất”, ông Đạt khẳng định. Tuy nhiên, trải qua các giai đoạn khó khăn về tài chính, PDR đặt mục tiêu kiểm soát rủi ro, an toàn tài chính lên đầu. Vì thế, khi nhận được các quỹ đất, tùy từng vị trí, PDR sẽ xem xét chuyển nhượng, chia sẻ lợi nhuận với nhà đầu tư đến sau hay phát triển dự án, đảm bảo hiệu quả cho cổ đông mà tài chính an toàn.

Với lợi thế về chiến lược phát triển quỹ đất và kế hoạch đầu tư vào dự án mang lại nguồn thu ổn định vài trăm tỷ đồng hàng năm, ông Đạt cho rằng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu khi giá PDR đang ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu hiện nay sẽ mang lại lợi ích cho cổ đông hơn là chia bằng tiền mặt.

Chuyển sàn, tăng quan hệ nhà đầu tư

CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) là một trường hợp đáng chú ý khi lãnh đạo Công ty cho biết, tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, Hội đồng quản trị sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển niêm yết vào TP.HCM. Sau khi có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, VPI sẽ nộp ngay hồ sơ lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Mục tiêu chuyển sàn của VPI - Công ty có vốn điều lệ 1.700 tỷ đồng này - là nhằm khẳng định thương hiệu và giá trị doanh nghiệp. VPI có khả năng phát triển quỹ đất thông qua các hợp đồng BT và M&A, tham gia mua cổ phần có chọn lọc ở các doanh nghiệp cổ phần hóa và phát triển dự án bất động sản có giá cả hợp lý ở các phân khúc tầm trung.

Năm 2018, VPI dự kiến lợi nhuận hơn 600 tỷ đồng, năm 2019 là 743 tỷ đồng, năm 2020 là hơn 1.000 tỷ đồng và năm 2021 là hơn 1.168 tỷ đồng.

Chia sẻ trong buổi gặp gỡ với các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán tại TP.HCM đầu tuần qua, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPI chia sẻ, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận xây dựng nói trên là khá thận trọng, bởi được xây dựng trên giá tại thời điểm hiện đại và quỹ đất hiện có đưa vào sản xuất - kinh doanh. Trong tương lai, VPI sẽ có thêm các quỹ đất mới thông qua các hợp đồng BT và M&A.

Về khả năng cạnh tranh trên thị trường nhà ở, ông Toàn nhấn mạnh: “Vì tôi là kiến trúc sư và trong Công ty có đội ngũ kiến trúc sư mạnh nên các dự án nhà ở được thiết kế rất tâm huyết về công năng sử dụng, tính toán về phong thủy; đồng thời, tránh cho người mua phải đập phá trong quá trình thiết kế nội thất căn hộ, từ đó giảm chi phí đầu tư lãng phí, tạo ra sản phẩm có giá thành hợp lý cho người mua”.

Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của VPI được đóng góp từ các dự án trung tâm thành phố Hà Nội như The Terra 83 Hào Nam, Grandeur Palace Giảng Võ, một phần dự án The Terra An Hưng (phần thấp tầng). VPI đang giao dịch ở mức giá 40.000 đồng/cổ phần, tương đương P/E dự kiến khoảng 11,5 lần.

Theo các công ty chứng khoán, sự sôi động của thị trường chứng khoán trong suốt 1 năm qua khiến lãnh đạo nhiều doanh nghiệp không thể kiên nhẫn hơn khi mà giá nhiều cổ phiếu khác cứ tăng mạnh còn giá cổ phiếu doanh nghiệp mình vẫn “lẹt đẹt” hoặc không tương xứng.

Trong cùng ngành, so sánh về giá cổ phiếu cũng như giá trị vốn hóa trên thị trường càng dễ thấy sự khập khiễng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến giá trị hình ảnh doanh nghiệp, cũng như uy tín của ban lãnh đạo với cổ đông. Các cổ đông luôn luôn muốn và tạo áp lực để ban lãnh đạo phải làm nhiều hơn nữa để giá cổ phiếu phán ánh gần với giá trị của doanh nghiệp, tương quan với mặt bằng giá chung của thị trường.

Công ty Chứng khoán HSC mới đây đã thành lập một bộ phận chuyên môn cung cấp dịch vụ quan hệ nhà đầu tư cho các doanh nghiệp niêm yết. Được biết, bộ phận này đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ đầu năm đến nay với nhiều cuộc tiếp xúc giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp với đội ngũ chuyên viên phân tích, nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư đại chúng.

Không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp sốt ruột, các nhà đầu tư chứng khoán “không may” nắm giữ những mã khó tăng trưởng cũng khổ tâm không kém. VN-Index liên tục tăng điểm, lập kỷ lục mới, nhưng giá trị danh mục đầu tư của hàng vạn người không tăng. Họ biết trông chờ vào đâu nếu không phải là chờ đợi chính lãnh đạo doanh nghiệp tìm cách thức hợp pháp và chuẩn mực khẳng định giá trị cổ phiếu, giá trị tài sản đầu tư của mình? 

Tin bài liên quan