Tuy vậy, đây là diễn biến không xấu và thường thấy của thị trường vận động gần sát khu vực kháng cự quan trọng. Thị trường đang lấy đà để chuẩn bị cho pha mở biên độ trong thời gian tới.
Bối cảnh vĩ mô thế giới vẫn thuận lợi khi có nhiều cơ sở để tin rằng, tháng 9/2024 sẽ là thời điểm chín muồi để Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) thực hiện việc cắt giảm lãi suất, đặc biệt là sau số liệu CPI tháng 6 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ - thấp hơn kỳ vọng 3,1% của các chuyên gia kinh tế và điều này càng có ý nghĩa hơn khi chính Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận, Fed có thể cắt giảm lãi suất ngay cả khi CPI chưa về mức mục tiêu 2%.
Bên cạnh đó, chỉ số sức mạnh đồng Dollar Mỹ (DXY) giảm từ mức 105 điểm về 104 điểm trong thời gian ngắn có ý nghĩa rất lớn đối với bối cảnh vĩ mô trong nước, giúp Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa điều hành chính sách tiền tệ hơn để hỗ trợ cho sự hồi phục kinh tế.
Tổng thể dòng tiền trong thời gian qua tương đối thấp, nhưng xu thế đang có sự chuyển dịch sang nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30) - đây sẽ là trọng tâm tìm kiếm cơ hội trong các tuần tới. Sau nhịp tăng dài của các cổ phiếu ngành công nghệ (FPT), bán lẻ (MWG), thì dòng tiền đang trong giai đoạn tái cơ cấu để tìm nhóm ngành dẫn dắt mới. Quá trình này cần thời gian và không loại trừ kịch bản sự “chuyển pha” của dòng tiền sẽ khiến thị trường xảy ra rung lắc trong ngắn hạn.
Thị trường dần chấp nhận mặt bằng lãi suất mới khi lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dao động quanh mức 4 - 4,5%/năm trong suốt 3 tháng qua. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại kỳ hạn 6 - 9 tháng tăng từ mức đáy 3,6%/năm lên 4%/năm như hiện tại, nhưng đây vẫn được xem là mặt bằng lãi suất thấp và không hấp dẫn với nhà đầu tư trong bối cảnh lạm phát ở mức 4,1%. Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt với tỷ giá trên thị trường tự do giảm từ mức 26.030 đồng về 25.735 đồng trong 2 tuần gần đây. Sự ổn định của mặt bằng lãi suất và tỷ giá là nền tảng quan trọng giúp thị trường chứng khoán tạo ra nhiều cơ hội đầu tư.
Kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp sẽ dần được hé lộ trong tuần này, với bức tranh tăng trưởng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong đó, ngành ngân hàng được dự báo có kết quả kinh doanh tăng trưởng chậm, ngành bất động sản nhìn chung có kết quả kinh doanh không đột biến, ngành bán lẻ có sự hồi phục ấn tượng từ mức nền thấp của năm ngoái.
Nhìn chung, chúng tôi vẫn đặt niềm tin lớn vào xu thế tăng của thị trường trong 3 - 6 tháng tới, dựa trên nền tảng bối cảnh vĩ mô ổn định, sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cải thiện, giúp định giá của thị trường trở nên hấp dẫn hơn.