VN-Index kích hoạt nhịp hồi

VN-Index kích hoạt nhịp hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần giao dịch từ ngày 22 - 26/7/2024 là một tuần giảm điểm sâu của VN-Index khi chỉ số đóng cửa tại 1.242,11 điểm, ghi nhận mức giảm 1,8%.

Các dấu hiệu tích cực xuất hiện

Tuần giao dịch từ ngày 22 - 26/7/2024 là một tuần giảm điểm sâu của VN-Index khi chỉ số đóng cửa tại 1.242,11 điểm, ghi nhận mức giảm 1,8%. Diễn biến giảm chi phối 3/5 phiên giao dịch của tuần, đưa VN-Index xuyên thủng mốc hỗ trợ chủ chốt trong ngắn hạn là vùng 1.240 - 1.250 điểm.

Tuy vậy, điểm sáng của thị trường chung là áp lực bán dần cạn kiệt khi VN-Index lùi xuống ngưỡng 1.220 điểm, là hợp lưu của đường xu hướng tăng và trung bình động EMA 200 ngày. Thanh khoản của các phiên giảm điểm dần giảm về cả khối lượng và giá trị giao dịch là tín hiệu VN-Index có thể tạo nên nhịp hồi phục kỹ thuật về vùng giá 1.250 điểm và có thể xa hơn là quanh 1.270 điểm.

Với diễn biến hiện tại có thể nhận định theo phương diện kỹ thuật, VN-Index đang trong xu hướng giảm ngắn hạn, nhưng có khả năng xuất hiện nhịp hồi phục khi áp lực bán có dấu hiệu giảm dần trong các phiên giảm điểm tuần qua. Mặt khác, lực cầu có dấu hiệu gia tăng tại các mã vốn hóa lớn có kết quả kinh doanh quý II/2024 khả quan như nhóm ngân hàng, công nghệ, chứng khoán và sự trở lại mua ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài là dấu hiệu tích cực cho khả năng hồi phục của VN-Index.

Nhóm ngân hàng có kết quả kinh doanh phân hóa

Hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng đang gặp một số áp lực, trong đó lớn nhất là việc biên lãi ròng (NIM) có xu hướng suy giảm và tăng trưởng tín dụng thấp trên toàn ngành. Ngoài ra, áp lực từ nợ xấu vẫn hiện hữu, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp hỗ trợ về chính sách.

Tuy nhiên, trong mùa báo cáo tài chính quý II hiện nay, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận sau thuế có phần vượt trội so với kỳ vọng chung. Các ngân hàng này đều thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, có tệp khách hàng đa dạng, trải dài từ khách hàng bán lẻ đến khách hàng doanh nghiệp. Việc đa dạng hóa tệp khách hàng giúp ngân hàng có nhiều dư địa để tăng trưởng hơn trong bối cảnh tín dụng ở một số mảng gặp khó khăn. Tất nhiên, không phải tất cả các ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng mạnh, có ngân hàng cũng công bố lợi nhuận quý II năm nay suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh hiện tại, NIM của các ngân hàng vẫn đang chịu áp lực khi mặt bằng lãi suất cho vay khó tăng, nhưng lãi suất huy động lại tăng nhẹ, hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động thêm vài điểm phần trăm. Các khoản thu nhập khác ngoài lãi vay của ngân hàng cũng tương đối ảm đạm và phục hồi ít khi chủ yếu vẫn dựa vào mảng thu phí và xử lý nợ. Một số ngân hàng có thể chịu áp lực từ nợ xấu và chi phí dự phòng đang có xu hướng tăng.

Tình hình kinh doanh tổng thể của ngành ngân hàng có thể xuất hiện sự phân hóa khi một số ngân hàng có thể tăng trưởng vượt trội và tiếp tục đà tăng trong 2 quý cuối năm, trong khi một số ngân hàng khác có thể ghi nhận lợi nhuận suy giảm do phải tập trung xử lý nợ xấu và đối mặt với áp lực biên lãi ròng giảm.

Hiện tại, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tốp đầu đang cho thấy ưu thế về sự đang dạng trong các nguồn thu cũng như việc quản trị rủi ro để đảm bảo chất lượng tài sản. Xu hướng này có thể duy trì trong nửa cuối năm 2024 và tạo ra bức tranh mới về ngành ngân hàng. Các ngân hàng có mức nền tốt có nhiều cơ hội hơn trong việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh cũng như đối tượng khách hàng khi thị trường còn không ít áp lực.

Tin bài liên quan