Sau khi VN-Index tạo đáy quanh ngưỡng 510 điểm, TTCK đã hình thành xu thế tăng điểm từ cuối tháng 1/2016. Hiện tại, các chỉ số đang gặp ngưỡng cản mạnh của đường MA200, tương ứng vùng 580 - 585 điểm với VN-Index và 80 - 81 điểm với HNX-Index. Đáng lưu ý, trong những phiên gần đây, có nhiều thời điểm, các chỉ số đã vượt vùng kháng cự nêu trên, nhưng khi kết thúc phiên giao dịch, VN-Index vẫn dưới ngưỡng 580 điểm, HNX-Index dưới ngưỡng 81 điểm.
Thực tế này cho thấy, áp lực cung tại vùng kháng cự hiện nay là khá lớn, nguồn cung chủ yếu đến từ khối nội. Trong khi đó, 1 tuần trở lại đây, khối ngoại mua ròng tích cực ở các mã blue-chips và đóng vai trò hỗ trợ thị trường.
Nguyên nhân của hiện tượng cung tăng hiện nay có thể được lý giải bởi 3 yếu tố chính.
Thứ nhất, động lực tăng của thị trường là động lực hồi phục của giá dầu thế giới đang giảm dần do thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa các nước sản xuất dầu mỏ bất thành vào phút cuối. Điều này cho thấy, cuộc chiến giành sản lượng vẫn là yếu tố khó dự đoán và chi phối giá dầu hiện tại. Sự suy giảm ngắn hạn của cổ phiếu dầu khí sẽ tác động tiêu cực đến các chỉ số chứng khoán.
Tuy nhiên, một thông tin tích cực bên lề cuộc họp đó là lượng dư cung toàn cầu đã giảm từ 1,5 triệu thùng/ngày xuống còn 200.000 thùng/ngày do sản lượng dầu đá phiến giảm xuống thấp nhất trong vòng 2 năm, theo số liệu từ IEA. Thực tế này khiến giá dầu thế giới vẫn biến động trong khoảng 36 - 40 USD/thùng. Mặc dù vậy, động lực tăng giá của mặt hàng này đang bị hoài nghi.
Thứ hai, do tác động của việc cắt giảm margin ba bên, là ảnh hưởng của Thông tư 07/2016/TT-BTC lên thị trường. Đây là yếu tố khó xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng, tuy nhiên hoạt động này vẫn làm giảm dòng tiền đối với thị trường trong ngắn hạn.
Thứ ba, không ngoại trừ khả năng có hoạt động bán từ mảng tự doanh của CTCK Kim Long (KLS), khi công ty này có nhu cầu giải thể công ty. Giá trị danh mục của KLS, theo thông tin từ Chủ tịch Công ty, còn gần 300 tỷ đồng.
Với những áp lực trên, trong ngắn hạn, nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán sẽ điều chỉnh giảm trở lại, về các vùng hỗ trợ thấp hơn như 555 - 560 điểm với VN-Index và 78 - 79 điểm với HNX-Index.
Mặc dù vậy, vẫn có những yếu tố thuận lợi cho thị trường từ nay cho đến cuối tháng 4. Do đó, sự điều chỉnh của thị trường có thể tạo ra cơ hội mua vào đối với nhiều cổ phiếu cơ bản tốt.
Cụ thể, NĐT có thể để ý một số điểm như: xu thế tích cực từ các TTCK thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ khi các chỉ số đã vượt vùng đỉnh cũ của 6 tháng cuối năm 2015 để tăng lên vùng cao mới nhờ chuyển biến tích cực từ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, theo số liệu công bố gần đây.
Cùng với đó, giá dầu không suy giảm nhiều, ngay cả khi thỏa thuận đóng băng sản lượng bất thành là yếu tố cho thấy, cung cầu mặt hàng này đang cân bằng ở vùng giá hiện nay, 36 - 40 USD/thùng.
Bên cạnh đó, xu thế mua ròng của khối ngoại tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn. Hoạt động này đóng vai trò hỗ trợ thị trường khi khối này chủ yếu mua vào các mã blue-chips và chưa có dấu hiệu dừng mua.
Ngoài ra, tháng 4 tiếp tục ghi nhận ĐHCĐ của nhiều doanh nghiệp, sự phân hóa của TTCK là thấy rõ với các doanh nghiệp cơ bản tốt, chia cổ tức ở mức cao và tiềm năng tăng trưởng khá trong năm 2016. Giá các cổ phiếu tốt có sự điều chỉnh theo thị trường sẽ tạo ra cơ hội mua vào đối với nhà đầu tư trung hạn.
Như vậy, với các diễn biến thị trường gần đây, trạng thái điều chỉnh ngắn hạn có thể diễn ra và tạo ra cơ hội mua cổ phiếu giá thấp tại các ngưỡng hỗ trợ của các chỉ số, tương ứng vùng 555 - 560 điểm với VN-Index.
Sau đó, thị trường có thể hồi phục và kiểm tra lại vùng 580 điểm vào cuối tháng 4. Theo đó, từ nay đến cuối tháng, dự báo VN-Index dao động trong vùng điểm 555 - 580 điểm, HNX-Index dao động trong vùng 78 - 81 điểm.