VN-Index về dưới 900 điểm, rẻ hơn nhưng không dễ để mua
Thị trường chứng khoán trong nước đang trong đà hưng phấn trước Tết Nguyên đán thì đột ngột đảo chiều sau Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giới đầu tư hoảng loạn ngay khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ dài, chỉ số chứng khoán chỉ hồi phục một chút rồi lại giảm mạnh khi diễn biến dịch bệnh lan rộng ra ngoài phạm vi Trung Quốc.
VN-Index chính thức đánh mất ngưỡng 900 điểm khi chứng khoán Mỹ cũng tạo đỉnh và rơi sâu, kích hoạt một đợt bán tháo trên phạm vi toàn cầu.
Diễn biến giá và P/E VN-INDEX.
Tính đến những ngày đầu tháng 3, VN-Index giao dịch ở quanh ngưỡng 890 điểm. Theo số liệu của Bloomberg, với mức điểm số đó của VN-Index, P/E ở mức khoảng 13,89 lần.
Đây là mức tương đương với thời điểm VN-Index ở mức 600 điểm hồi đầu năm 2016.
Rõ ràng, cũng đã lâu rồi, mức định giá thị trường chung mới thấp đến như vậy và cảm giác rẻ là điều mỗi nhà đầu tư có thể nhận thấy.
Hiện tại, nhiều cổ phiếu đang về vùng đáng mua theo phân tích cơ bản và là mức giá mà ở thời điểm cách đây 1 - 2 năm, nhiều nhà đầu tư không nghĩ có cơ hội để mua vào.
Tuy nhiên, đó là về mặt cơ bản, còn về mặt giao dịch, nếu có cầm tiền lúc này thì cũng thật khó xuống tiền. Khó xuống tiền ở chỗ, P/E không có tính dự báo rằng thị trường có còn khả năng tiếp tục rơi hay không, cũng như cổ phiếu rẻ nhưng vẫn có thể tiếp tục giảm vậy.
Trong quá khứ, giai đoạn ở mức thấp nhất, P/E của VN-Index chỉ hơn 8 lần một chút. Thêm nữa, khối ngoại vẫn đang bán ròng không ngừng nghỉ sau Tết Canh Tý với hơn 2.800 tỷ đồng bán ròng trên HOSE chỉ trong tháng 2.
Đi sâu hơn một chút, thực sự ở thời điểm hiện tại, rất khó tư duy điểm vào khi giao dịch, bởi lẽ đại bộ phận thị trường đã sập gãy mất xu hướng dài hạn.
Hiện tại, trong số gần 400 cổ phiếu trên sàn HOSE thì chỉ còn lại chưa đến 30% cổ phiếu ở trên đường trung bình 100 và 200 ngày.
Lần gần nhất, thị trường ở trạng thái sập gãy nặng như vậy là cú rơi từ vùng 1.200 điểm, dịp này VN-Index mới chỉ rơi 100 điểm nhưng trạng thái cũng đã ở mức xấu tương tự.
Làm thử một tính toán trên chỉ số VN30-Index, các trụ hiện tại ngoài ngân hàng và một số ít cổ phiếu ngoại lệ, phần lớn đã mất xu hướng tăng dài hạn và không dễ cho người cầm tiền chọn được cổ phiếu để giao dịch lúc này.
% giá hiện tại đến MA200.
Thị trường rất tệ nhưng đâu đó vẫn có dấu ấn dòng tiền
Một hiện tượng có lẽ không khó để quan sát được từ khi thị trường tạo đỉnh trong 2018 là dòng tiền ngày một yếu và ngay cả những sóng tăng đáng kể sau thời điểm đó cũng không thể lan tỏa đến tất cả các cổ phiếu như trước nữa.
Nếu ví von toàn bộ dòng tiền thị trường như một hồ nước thì ở thời điểm hiện tại, khi hồ nước cạn dần, chỉ còn đâu đó một vài chỗ trũng trong lòng hồ là còn nước đọng lại.
Nếu cứ giữ thói quen nhìn toàn cảnh mặt hồ để kết luận hồ còn nước hay không thì chắc hẳn không có cơ hội.
Câu chuyện của VN-Index hiện tại là hình ảnh tương tự. Khi dòng tiền yếu, nếu chúng ta cứ mang VN-Index làm đại diện và chờ xu hướng tăng trở lại, chắc hẳn là khó và sẽ rất mất thời gian.
Bởi trở lại hình ảnh ví von trên, nếu mưa về sau mùa hạn, hồ cạn cũng không thể đầy ngay, mà phải lấp đầy dần những cái hố trũng hơn dưới lòng hồ.
Đương nhiên, nếu một nhà đầu tư đủ kiên nhẫn, chờ đợi đến thời điểm thị trường thực sự ổn định để trở lại cũng là một ý tưởng không tồi. Tuy nhiên, với nhà đầu tư vẫn muốn trụ lại với thị trường, nếu nhìn theo cách cũ, khó có thể thấy được cơ hội.
Các chỉ số chứng khoán mới vẫn tăng hoặc chỉ giảm nhẹ.
Góc nhìn hẹp ở đây nghĩa là thay vì nhìn ở góc nhìn lớn trên chỉ số chung, nhà đầu tư cần nhìn vào những nhóm cổ phiếu nhỏ và đi kèm với đó là những câu chuyện riêng đủ mạnh để kháng lại đà giảm.
Không nhất thiết và không có nguyên tắc chung cho những sự phân tách này, miễn là có một chỉ số nhỏ hơn đại diện cho câu chuyện được theo dõi và đi kèm với sự tích cực đó, có một câu chuyện, một góc nhìn hẹp đủ thuyết phục.
Một ví dụ cho ý tưởng trên đó là việc nhìn theo chỉ số VNFinlead và VNDiamond, các chỉ số mới của HOSE và là rổ cổ phiếu cơ sở để triển khai các ETFs mới.
Kể từ lúc hai chỉ số mới này ra đời cho đến này, bất chấp việc VN-Index và VN30-Index đều giảm trên dưới 10% thì VNFinlead vẫn tăng 5%, trong khi đó VNDiamond chỉ giảm nhẹ và không hề bị thủng đáy.
Trong những phiên giảm mạnh nhất, một số cổ phiếu thuộc danh mục hai chỉ số nói trên có khả năng kháng lại đà giảm.
Ngoài câu chuyện về ETF như ví dụ ở trên, thị trường đang và có thể sẽ xuất hiện nhiều câu chuyện, nhiều dòng tiền còn sót lại.
Dù là câu chuyện gì chăng nữa, chắc hẳn việc các câu chuyện ở từng nhóm cổ phiếu sẽ có xác xuất cao hơn việc thị trường sẽ sớm bùng nổ trở lại. Dưới 900 điểm là cơ hội, nhưng có lẽ dành cho những ai quan sát thị trường từ những góc nhìn hẹp.