Thị trường đi lên trong nghi ngờ
Trong tuần trước, thị trường có 4 phiên liên tục bán ra và lực cầu duy trì đỡ được. Điểm tích cực nhất trên thị trường lúc này được cho là lượng tiền trên thị trường khá cân đối và margin ở mức không cao nên khả năng giảm sàn như trước đó khó xảy ra.
Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy VN-Index nỗ lực bước qua mốc 1.300 điểm vài lần nhưng ngay lập tức gặp áp lực bán, hầu hết các môi giới đều có khuyến nghị nhà đầu tư khi chỉ số lên vùng này là ưu tiên chốt lãi cổ phiếu đã tăng mạnh, hạn chế mua đuổi, phòng trường hợp xuất hiện nhịp giảm điều chỉnh về 1.270 điểm.
Đây là câu chuyện giải quyết danh mục trong ngắn hạn, còn về trung hạn, các chuyên gia tin rằng chỉ số VN-Index vẫn sẽ vượt mốc 1.300 điểm.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, dòng tiền giai đoạn trước chịu áp lực bán ra, tiền lớn rút ra, dòng tiền margin cũng giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, ai cần bán đã bán, margin hạ nhiệt, lực cung - cầu cân bằng hơn nên rủi ro thị trường không lớn. Thanh khoản ổn định ở mức 17.000 - 20.000 tỷ đồng là thị trường lành mạnh, nếu cao hơn là nóng và có yếu tố đầu cơ.
Đã hơn 2 tuần kể từ khi thị trường bước vào nhịp phục hồi và trong giới đầu tư đang tồn tại hai luồng quan điểm: Một luồng cho rằng đây là nhịp phục hồi trong một xu hướng giảm, còn luồng kia lại xem đây là chân của con sóng tăng trong 2 - 3 tháng tới.
Luồng quan điểm tích cực thì cho rằng, chỉ số VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng kháng cự 1.300 điểm và 1.360 điểm. Ở các mốc này, nhà đầu tư có thể sử dụng chiến thuật trading khi gặp kháng cự. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư vẫn đang rất lo sợ, chưa dám giải ngân, họ chờ thêm một cú chỉnh mạnh mẽ hơn nữa mới quyết định nhảy vào thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) nhìn nhận đợt tăng điểm gần đây của thị trường là cú hồi hơn là tạo ra xu hướng tăng mới.
Theo ông Bình, thị trường rơi vào downtrend sau cú sụt giảm mạnh vừa qua và đã mất đi nhiều yếu tố được coi là đòn bẩy lớn cho việc tăng giá. Thứ nhất, việc siết chặt kiểm soát khiến cho các “đội lái” nằm im chờ đợi.
Thứ hai, dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường do sức hấp dẫn từ kênh tiền gửi tiết kiệm, có ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 7,4%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Thứ ba, việc sắp xếp lại dòng tiền từ trái phiếu đã huy động của các tổ chức.
“Thị trường hiện đang đối diện nhiều vấn đề, từ ảnh hưởng của thế giới cho đến nội tại nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sau cú sụt giảm mạnh vừa qua, nhà đầu tư đã cơ cấu lại danh mục nên áp lực bán tháo sẽ không còn nhiều và nếu có cũng chỉ diễn ra ở một nhóm, hoặc một cổ phiếu đơn lẻ có thông tin bất lợi. Xu hướng thị trường trong vòng 3 tháng có thể là sideway down nhiều hơn”, ông Bình nhận xét thêm.
Những nhóm ngành triển vọng
Có quan điểm lạc quan hơn, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán SHS Chi nhánh TP.HCM cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sau quá trình điều chỉnh mạnh, tương đương mức giảm trong các cuộc khủng hoảng đã dần phục hồi trở lại. Một số mã, nhóm ngành dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng thị giá tốt nhờ doanh thu, biên lợi nhuận được cải thiện trong thời gian tới.
Cụ thể, nhà đầu tư có thể quan tâm tới nhóm năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời có dư địa tiếp tục tăng trưởng theo định hướng, cam kết đưa mức giảm phát thải ròng về “net zero” của Việt Nam theo Hội nghị COP26, bên cạnh đó là định hướng của Quy hoạch điện 8.
Đây là nhóm ngành có hiệu quả kinh doanh cao, biên lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với trung bình thị trường, với các cơ chế ưu đãi tốt về giá bán điện, các khoản vay ưu đãi, giá thuê đất… Cũng như các công nghệ điện gió, điện mặt trời sẽ liên tục cải tiến mạnh để giảm các mức đầu tư ban đầu. Các mã nổi bật trong nhóm này là PC1, GEG, HDG, BCG…
Nhóm dầu khí, khai thác chế biến xăng dầu, khí đốt… duy trì tăng trưởng nhờ nhu cầu tiêu thụ hồi phục sau đại dịch, châu Âu ra quyết định trừng phạt và cắt đứt 90% nguồn cung cấp dầu khí từ Nga, qua đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu khí đốt, dầu khí ở các nguồn cung mới.
Giá dầu đang neo ở mức cao, dự kiến giá dầu thô Brent trung bình năm 2022 trên 90 USD/thùng và trong 3 năm tới duy trì trên mức 75 - 80 USD sẽ là động lực lớn để đẩy mạnh các dự án khai thác trong nước như dự án Lô B Ô Môn. Các cổ phiếu được nhận định triển vọng nhất trong nhóm này là GAS, PVS, BSR, PVT, CNG…
Nhóm cảng biển tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với trung bình của thị trường nhờ tăng trưởng xuất nhập khẩu duy trì do mở rộng các hiệp định thương mại, xu hướng dịch chuyển sản xuất với điểm đến là Việt Nam vẫn duy trì và hình thành trung tâm logistics mới của Đông Nam Á với cảng biển Cái Mép Thị Vải đứng thứ 11 trong 370 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất. Các mã nổi bật trong nhóm này là HAH, VSC, GMD, SGP…
Nhóm thủy sản, với các mã nổi bật như VHC, ANV, IDI, ASM, FMC, CMX, duy trì đà tăng trưởng vượt trội nhờ nhu cầu tiêu thụ cao hơn trước đại dịch và việc các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ sang châu Âu, châu Úc và hưởng lợi từ giá thủy sản tăng cao do thiếu nguồn cung…
Ngoài ra, theo ông Nhật, các cổ phiếu đầu ngành bán lẻ, tiêu dùng như FRT, MSN, MWG… nên được ưu tiên xem xét phân bổ trong danh mục đầu tư. Cơ sở cho khuyến nghị này là sức cầu tiêu dùng gia tăng với tỷ lệ dân số vàng và mức thu nhập đầu người duy trì tăng trưởng tốt.
Ông Nhật cho rằng, đây là một số nhóm ngành, mã đang tăng trưởng vượt trội nhờ vào các yếu tố nội tại và tích cực bên ngoài. Các cổ phiếu khác khi đạt trạng thái cân bằng và có dấu hiệu cải thiện tăng trưởng trong quý II/2022 sẽ xem xét đánh giá cập nhật bổ sung.
Với góc nhìn thị trường thận trọng, ông Bình cho rằng, dòng tiền sẽ phân hóa mạnh, nhóm nào có triển vọng đạt lợi nhuận cao sẽ hút dòng tiền và tăng giá. Điển hình, nhóm cổ phiếu phân bón có DGC, DPM, DCM; cảng biển có GMD, HAH; dầu khí có GAS, PVS; thủy sản có VHC, NAV, IDI, MPC... và một số cổ phiếu đơn lẻ như FPT, REE, BCM…
“Thế giới đang chịu ảnh hưởng lớn bởi chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc cùng cuộc chiến Nga – Ukraina, nhưng mọi việc không bao giờ là bất biến. Giả sử có yếu tố nào đó thay đổi thì những ngành được hưởng lợi từ những yếu tố đó sẽ có sự thay đổi.
Ví dụ, khi Trung Quốc nới lỏng biện pháp chống dịch thì nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tăng cao, có thể đẩy giá nhiều hàng hóa - dịch vụ tăng theo, khiến lạm phát tăng. Hoặc Mỹ và phương Tây mua dầu trở lại kho dự trữ có thể đẩy giá dầu thô tăng tiếp. Hoặc khi Nga - Ukraine đạt được thỏa thuận đình chiến, giá phân bón, lương thực sẽ hạ nhiệt”, ông Bình phân tích.