Ông Nguyễn Thanh Lâm
Thị trường đã bắt đầu giảm điểm nhẹ từ phiên cuối tuần trước vàtiếp diễn trong phiên đầu tuần này. Đây có là dấu hiệu điều chỉnh của thị trường trong những phiên tiếp theo mà NĐT cần chú ý, thưa ông?
Thị trường đang có một số phiên điều chỉnh giảm, bắt đầu từ phiên thứ Sáu cuối tuần trước. Diễn biến này chịu tác động không nhỏ từ các biến động có phần bất lợi từ thị trường toàn cầu. Trước hết là câu chuyện của giá dầu. Sau chuỗi ngày tăng giá rất ấn tượng và vượt thành công ngưỡng 50 USD/thùng (WTI), giá dầu đã ghi nhận pha điều chỉnh mạnh hơn 6%. Chính điều này khiến các cổ phiếu dầu khí tại TTCK Việt Nam đối mặt với áp lực chốt lời quyết liệt (do hầu hết lượng hàng mua trong ngắn hạn trước đó đều ít nhiều có lợi nhuận).
TTCK toàn cầu cũng có những phiên giao dịch không thành công. Sự kiện xả súng tại Hoa Kỳ khiến 49 người thiệt mạng, nỗi lo về khả năng Anh có thể rời khỏi Liên minh châu Âu và thời điểm cận kề cuộp họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể xem là những nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh giảm trở lại. Tính riêng phiên thứ 6 tuần trước và phiên đầu tuần này, Dow Jones đã mất gần 1,5% giá trị, chứng khoán châu Á thậm chí còn giảm mạnh hơn: Shanghai (-3,5%), Nikkei 225 (-4,9%), Hang Seng (-2,7%),…
Ngoài ra, tính từ giai đoạn cuối tháng 5 vừa qua, VN-Index đã liên tiếp tăng gần 5% chỉ trong hơn 2 tuần. Do vậy, tâm lý e ngại khi VN-Index tiếp cận gần hơn vùng kháng cự quan trọng 640-645 điểm (khu vực cao nhất trong 2 năm qua) cũng là lý do cần nhắc đến khi nói về nhu cầu “chốt lời ngắn hạn” của nhà đầu tư.
Động thái mua ròng liên tục của khối ngoại ở các mã cổ phiếu lớn được xem là động lực chính giúp VN-Index tăng điểm trong thời gian qua. Theo ông, xu hướng giao dịch của khối ngoại là thế nào trong thời gian tới?
Khối ngoại thật sự là lực đỡ rất quan trọng của thị trường trong suốt hơn 2 tháng qua. Trái với lo lắng trước đó về việc phần lớn dòng vốn ngoại là “dòng tiền nóng” theo kiểu “vào nhanh, ra nhanh”, thực tế cho thấy, hoạt động mua ròng của khối ngoại duy trì rất đều trong suốt thời gian này, thậm chí với cường độ tăng dần.
Thống kê vừa được Bloomberg đưa ra vào đầu tuần này cho thấy, tính từ đầu tháng 6, đã có gần 600 triệu USD được các NĐT nước ngoài đổ vào TTCK các quốc gia khu vực Đông Nam Á, tiêu biểu là Philippines, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Các đánh giá nhìn chung là khá sáng sủa về tình hình hồi phục của khu vực này và đây là cơ sở quan trong để kỳ vọng đà mua ròng của khối ngoại tại Việt Nam sẽ còn tiếp diễn.
Có nhiều lý do để tôi cảm thấy tự tin về khả năng TTCK Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại bao gồm: nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ tăng dần; định giá của TTCK Việt Nam vẫn dưới mức trung bình của khu vực; “lực đẩy” từ các Hiệp định thương mại tự do và những chính sách cải cách trên thị trường (các sản phẩm phái sinh, nới room cho khối ngoại, câu chuyện thoái vốn của SCIC…).
Bên cạnh xu hướng giao dịch của khối ngoại, NĐT cần chú ý đến những yếu tố nào khác tác động đến thị trường trong ngắn hạn, thưa ông?
Trước mắt, VN-Index sẽ đối mặt với khu vực kháng cự quan trọng quanh vùng 640-645 điểm. Đây là vùng giá mà không dưới 2 lần, VN-Index đã thất bại khi cố gắng chinh phục trong các năm 2014 và 2015. Nhiều khả năng sẽ có những “rung lắc” mạnh, trước khi VN-Index tiến đến vùng kháng cự rất mạnh này.
Thách thức là không nhỏ, song với nội tại thị trường hiện nay, tôi vẫn nghiêng nhiều hơn về khả năng khu vực kháng cự 640-645 sẽ được chinh phục thành công.
Bên cạnh đó, thời điểm công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết cũng đang tới gần. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng cần được NĐT quan tâm.
Thị trường giai đoạn này dường như đang “làm khó” NĐT trong quyết định đầu tư. Ông có khuyến nghị cụ thể nào cho NĐT, thưa ông?
NĐT nên tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa cao, có giao dịch “thuận chiều” của khối ngoại, để hưởng lợi một phần từ “lực đỡ” của khối này vốn đang khá mạnh trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó là các nhóm ngành được kỳ vọng sẽ có sự đột biến (theo chiều tích cực) về mặt kinh doanh của các công ty trong ngành. Với trường hợp này, nhóm công ty sắt thép đang là lựa chọn ưa thích nhất của tôi cho giai đoạn quý II/2016, khi đây là nhóm được hưởng lợi “kép” từ thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, có hiệu lực từ cuối tháng 3/2016, đi kèm với nhu cầu tiêu thụ tiếp tục được kỳ vọng tăng mạnh trong năm 2016.