Ông Dương Văn Chung

Ông Dương Văn Chung

VN-Index dự báo đạt đỉnh vào quý II

(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MBS, dựa trên cơ sở phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

Trong gần 2 tháng qua, ông luôn giữ quan điểm VN-Index sẽ đạt 670 - 680 trong 5 - 6 tháng đầu năm. Đâu là cơ sở cho nhận định này, thưa ông?

Nhận định của tôi dựa trên 2 cách tiếp cận. Thứ nhất, theo phân tích cơ bản, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường tăng điểm trong 6 tháng đầu năm. Về dòng vốn, với nguồn vốn giá rẻ do các gói QE của EU, Nhật Bản thì dòng tiền đầu cơ sẽ có xu hướng đổ vào các thị trường mới nổi và thị trường biên, trong đó có Việt Nam. Mức P/E của TTCK Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt là ngành bất động sản, do đó, Thông tư 36 sẽ gần như không thể tác động tiêu cực tới thị trường do dòng vốn ngoại sẽ lấn át.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã thực sự ổn định với GDP 2014 tăng 5,98% và dự báo tiếp tục tăng trưởng 6 - 6,2% trong 2015, ngay cả với kịch bản giá dầu xuống thấp quanh 40 USD/thùng. Với CPI kỳ vọng ở mức thấp quanh 4% trong 2015, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm và tôi kỳ vọng, lãi suất sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới. Nếu lãi suất tiếp tục hạ, chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, sau đó đến kênh bất động sản, đây sẽ là yếu tố níu dòng tiền đầu cơ ở lại với thị trường. Ngoài ra, Chỉ thị 01 khuyến khích cho vay sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để đầu tư sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đang bước vào bước sóng 5 trong sóng I theo thuyết sóng Elliot với chân sóng kéo dài từ 1/2012 và dự kiến điểm kết thúc rơi vào khoảng tháng 5 - 6/2015; VN-Index dự kiến trong khoảng 680 điểm +/- 10. Sau nhịp tăng này, thị trường sẽ điều chỉnh giảm kéo dài khoảng 5 - 6 tháng để chuẩn bị cho một đợt tăng mạnh vào năm 2016. Các chỉ báo động lượng theo tháng cho thấy, các hiện tượng tương tự thời kỳ 1/2012, 12/2012 và 10/2013. Mỗi khi chỉ báo động lượng stochastic cắt đường tín hiệu từ dưới lên, thị trường sau đó đều xuất hiện một Uptrend rất mạnh kéo dài 4 - 6 tháng. Chỉ báo này đã cắt nhau từ 1/2015, đó là lý do tại sao tôi đưa ra quan điểm thị trường có thể sẽ tăng mạnh trong 5 - 6 tháng đầu năm từ cách đây 2 tháng.

Thị trường thường tăng mạnh khi có dòng tiền vào, ngoài vốn nội thì dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng. Ông nhận định ra sao về dòng tiền trong thời gian tới?

Như đã phân tích ở trên, tôi kỳ vọng vào 2 dòng tiền chính, đó là dòng vốn giá rẻ từ nước ngoài và dòng vốn nội từ yếu tố hạ lãi suất.

Dòng vốn ngoại đóng vai trò khơi mào cho dòng tiền quay trở lại thị trường. Theo tôi, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục mạnh trong 6 tháng đầu năm bởi các gói kích thích kinh tế của EU, cũng như dự báo Fed chưa tăng lãi suất trong thời gian này. Tuy nhiên, câu chuyện 6 tháng cuối năm sẽ khác. Còn dòng vốn nội, nếu lãi suất được hạ, dòng tiền sẽ chuyển dịch mạnh từ kênh tiết kiệm sang đầu tư, trong đó, chứng khoán là kênh thanh khoản nhất hiện nay nên sẽ hút được dòng tiền này.

Nhiều ý kiến cho rằng, dòng vốn giá rẻ từ các gói QE của EU, Nhật Bản… sẽ có xu hướng ưu tiên các thị trường mới nổi, trong khi Việt Nam hiện vẫn đang ở giai đoạn thị trường cận biên. Quan điểm của ông?

Quan điểm của tôi khá đơn giản. Hãy hình dung thị trường thế giới như sau: các nước đã phát triển như các mã bluechip trên bảng điện tử, các nước đang phát triển như các mã midcap, còn các nước thị trường biên thì như các mã penny. Khi dòng vốn giá rẻ được bơm ra, dĩ nhiên cả thị trường được hưởng lợi, nước lên thì bèo cũng lên. Chính vì vậy nó có tính đầu cơ rất cao, tăng nóng và xuống cũng rất nhanh.

Nếu thị trường có thể chạm đỉnh mới trong quý II/2015 như dự báo của ông thì ở góc độ nhà đầu tư, đâu sẽ là nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt và thu hút dòng tiền?

Với tình hình nền kinh tế hiện nay, tôi tin tưởng vào nhóm cổ phiếu bất động sản và vật liệu xây dựng. Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, các mã bất động sản đã ở trạng thái tích lũy trung hạn khá tốt trong gần 12 tháng qua. Trong khi các nhóm ngành khác đều đã lần lượt tăng ở mức khá, thì dòng bất động sản mới chớm tăng và có dấu hiệu chuẩn bị bứt phá. Thứ hai, về cơ bản, các doanh nghiệp bất động sản đều đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2014 khá ấn tượng, khi có báo cáo kiểm toán, tôi tin rằng, nhiều nhà đầu tư sẽ dồn tiền vào các cổ phiếu ngành này.

Hơn nữa, thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào nhiều mã bất động sản hơn so với các mã ngành khác. Dòng tiền này từng dẫn dắt thành công nhóm cổ phiếu dầu khí tăng trưởng trong năm 2014, nên tôi tin tưởng điều này cũng sẽ xảy ra với nhóm bất động sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý rằng, không phải cổ phiếu bất động sản nào cũng tăng, dòng tiền sẽ chỉ vào những cổ phiếu bất động sản có kết quả kinh doanh quý IV/2014 tốt và doanh nghiệp có quỹ đất lớn.

Tin bài liên quan