Bà Lê Nguyệt Ánh
Mặc dù vậy, theo bà Ánh, P/E Việt Nam vẫn đang được định giá khá thấp so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng GDP Việt Nam đang ở mức cao, là cơ hội để nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục.
Trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, đã có thời điểm thị trường vượt qua 600 điểm nhưng kết thúc phiên, VN-Index vẫn chưa thể chạm được ngưỡng này. Phải chăng, sau mốc 580 điểm thì 600 điểm vẫn là ngưỡng cản của thị trường?
Sau khi vượt 580 điểm, VN-Index tiếp tục đối diện với nhiều ngưỡng cản mạnh ở vùng giá 600 - 620 điểm và đặc biệt là ngưỡng 645 mà VN-Index chưa vượt được trong suốt 10 năm qua. Do vậy, kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư ngắn hạn sau khi VN-Index vượt 580 điểm thường không quá lớn.
Ngoài ra, việc khối ngoại đột ngột giảm mua trong phiên ngày 25/4 cũng ảnh hưởng lớn tới dòng tiền vào thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư ngắn hạn lo ngại yếu tố tâm lý khi tháng 5 đang đến gần, gây ảnh hưởng tới dòng tiền đầu cơ vào thị trường.
Về cơ bản, giá dầu, yếu tố đã hỗ trợ thị trường rất tốt trong thời gian qua, đã có dấu hiệu đạt điểm cân bằng và triển vọng tăng mạnh không còn lớn. Trong khi đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong kỳ họp này cũng khiến nhà đầu tư lo ngại. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến VN-Index điều chỉnh sau khi chạm ngưỡng 600 điểm.
Trong nhiều phiên giao dịch, khi thị trường tăng điểm thì chỉ có một số mã, đặc biệt là các bluechip tăng, song khi thị trường giảm thì đồng loạt các cổ phiếu giảm. Bà đánh giá như thế nào về cơ hội và rủi ro trong bối cảnh hiện tại?
Thực ra không hẳn như vậy. Tính từ đầu năm đến nay, một số nhóm cổ phiếu nhỏ, nhất là cổ phiếu xây dựng và hàng tiêu dùng, đã phục hồi tốt hơn thị trường, cho thấy cơ hội chia đều cho cả cổ phiếu nhỏ và lớn. Ngay cả khi VN-Index lao dốc mạnh, các cổ phiếu phòng vệ như REE và FPT vẫn giữ giá khá tốt.
Với diễn biến thị trường hiện tại, rủi ro riêng biệt của từng cổ phiếu cũng như nhóm cổ phiếu là khá lớn, khi mà hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang tiếp diễn và tác động của giá dầu thấp đến từng cổ phiếu, nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn chưa được đánh giá thấu đáo.
Tuy nhiên, cổ phiếu Việt Nam đang được định giá khá thấp so với khu vực, trong khi tăng trưởng GDP Việt Nam đang ở mức cao. Do vậy, nhà đầu tư nên xem xét đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro, trong khi vẫn tận dụng được cơ hội tăng trưởng của thị trường.
Thị trường đang tập trung sự chú ý vào cuộc họp chính sách ngày 26 và 27/4 của Fed để đoán định dấu hiệu nâng lãi suất. Theo bà, thông tin này sẽ tác động như thế nào đến TTCK trong thời gian tới?
Ngoài tác động tâm lý đến thị trường thì quyết định của Fed về việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường. Việc Fed tăng lãi suất có thể khiến đồng USD mạnh lên, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND và tăng rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam.
Ngoài ra, việc lợi suất các tài sản của Mỹ tăng sẽ hút dòng vốn về thị trường này, thay vì đầu tư vào tài sản rủi ro ở các thị trường mới nổi và cận biên.
Tuy nhiên, mức tăng lãi suất dự kiến chỉ 0,25% và đã được lên kế hoạch từ cuối năm 2015 nên tác động đến thị trường có thể không mạnh như đợt điều chỉnh lãi suất vừa qua.
Mặc dù khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất còn để ngỏ nhưng điều này đã khiến USD và một số đồng tiền chủ chốt khác liên tục tăng giá trong thời gian gần đây. Các DN niêm yết đang có các khoản vay bằng ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, theo bà?
Trong cuộc họp vào tháng 3/2016, Fed đã giảm số lần tăng lãi suất dự kiến từ 4 lần xuống còn 2 lần, khiến đồng USD yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác. Điều này đã giúp tỷ giá USD/VND ổn định và giảm nhẹ trong suốt 4 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, tỷ giá EUR/VND và JPY/VND tăng khá mạnh trong thời gian qua khiến các DN vay nợ bằng các ngoại tệ này chịu lỗ tỷ giá khá lớn trong quý I/2016. Các DN nhiệt điện và xi măng bị ảnh hưởng nhiều nhất, có DN thậm chí lỗ ròng vì yếu tố này. Dù vậy, nhà đầu tư nên lưu ý đây chỉ là yếu tố ngắn hạn vì với cả DN nhiệt điện và xi măng, 2016 được kỳ vọng là năm có hoạt động kinh doanh tốt.