VN-Index “đi tìm” kỳ vọng mới

VN-Index “đi tìm” kỳ vọng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, động thái chốt lời khiến VN-Index giảm 3,58%. Tuy nhiên, hai phiên cuối tuần, chỉ số vận động lưỡng lự, níu giữ hy vọng với tín hiệu cân bằng quanh mốc 1.070 điểm.

Bối cảnh liên thị trường: Chứng khoán Mỹ khởi sắc

Ngày 1/2/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%/năm, lên 4,5 - 4,75%/năm, đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Thông điệp từ ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed là lãi suất sẽ neo ở mức cao trong thời gian dài (5 - 5,25%/năm trong năm 2023), “thời điểm hiện tại là quá sớm để ăn mừng chiến thắng lạm phát”, “chúng tôi không dự tính cắt giảm lãi suất trong năm 2023”.

Tuy nhiên, thị trường lại có phản ứng tích cực: lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm 0,12%; chỉ số S&P 500 tăng 1,4%, bứt phá vùng cản mạnh của kênh giá xuống; chỉ số sức mạnh đồng USD giảm 0,9%...

Tuy thanh khoản và sức mạnh thị trường có sự cải thiện, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý, điều kiện kinh tế hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn. Mức lãi suất hiện nay của Mỹ là rất cao, sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng và hoạt động của các doanh nghiệp.

Trên thực tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Mỹ và Việt Nam gần đây có dấu hiệu suy yếu. DSC đánh giá, sự suy giảm kết quả kinh doanh có thể kéo dài đến quý II/2023 và kỳ vọng sẽ hồi phục trong 2 quý cuối năm nay, khi kinh tế Trung Quốc phục hồi.

VN-Index “đi tìm” kỳ vọng mới, niềm tin mới

Sau Tết, tâm lý nhà đầu tư đảo chiều so với đà hưng phấn trước kỳ nghỉ. VN-Index đóng cửa tuần qua với mẫu nến bao trùm giảm tại 1.077,15 điểm, giảm 3,58% so với cuối tuần trước đó. Thị trường ghi nhận áp lực bán chiếm ưu thế, diễn biến điều chỉnh là chủ đạo và không gặp phải sự phản kháng nào đáng kể.

Diễn biến VN-Index kể từ cuối năm 2021 đến nay.

Diễn biến VN-Index kể từ cuối năm 2021 đến nay.

Ở đồ thị ngày, hai phiên cuối tuần, VN-Index vận động lưỡng lự kèm thanh khoản yếu, cũng dễ hiểu khi thị trường trải qua 2 phiên phân phối lớn trong tuần. Chỉ số chung níu giữ hy vọng với tín hiệu cân bằng quanh mốc 1.070 điểm. Ngoài ra, khối ngoại duy trì quan điểm mua ròng, bất chấp diễn biến của chỉ số, tổng giá trị đạt 1.500 tỷ đồng.

Trên phương diện kỹ thuật, thị trường còn điểm tựa là vị thế mở xu hướng tăng (ngày 17/1/2023), góc nhìn trung hạn chưa bị vi phạm, chỉ báo RSI thể hiện nhịp điều chỉnh lành mạnh với tín hiệu phân kỳ dương đồng thuận với VN-Index, áp lực chốt lời phù hợp sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp.

Quán tính giảm có thể “ghì” tâm lý thị trường trong tuần giao dịch mới, đẩy chỉ số lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.050 điểm. DSC đánh giá, lực cung hoảng loạn có phần suy yếu, đặc biệt khi lượng hàng trong phiên bán lớn giữa tuần qua được kiểm soát, song VN-Index cần thêm tín hiệu cân bằng để nhà đầu tư tự tin giải ngân trở lại.

Nhóm ngành đáng chú ý: Công nghiệp thép

Sau một năm đi lùi về tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp thép - ngành có độ tương quan cao với chu kỳ kinh tế, không tránh khỏi tổn thất. Báo cáo tài chính năm 2022 của nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ, trong đó Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lỗ kỷ lục 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tia sáng le lói của ngành thép đã sớm xuất hiện khi giá trị xuất khẩu thép phục hồi liên tiếp trong tháng 11 và 12/2022, lần lượt đạt giá trị 0,47 triệu USD và 0,58 triệu USD, tăng 8% và 24% so với cùng kỳ. Thời điểm này, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến sự hồi phục của giá thép, quặng sắt, thép cán nóng…

Trong nước, mảng xây dựng, bất động sản dự báo tiếp tục suy giảm trong năm 2023, nhưng gói ngân sách đầu tư công 793.000 tỷ đồng kỳ vọng sẽ là điểm tựa chính thúc đẩy đầu ra của ngành công nghiệp thép.

Với nhu cầu tổng thể ở mức trung bình, giá nguyên vật liệu có khả năng sẽ được điều tiết nhằm kích cầu trong thời gian tới. DSC đánh giá, nhịp tăng giá thép thành phẩm trong thời gian gần đây chủ yếu do giá nguyên vật liệu đầu vào (quặng sắt) tăng nóng.

Chỉ số ngành thép đang có dấu hiệu chững lại. Mẫu nến “búa ngược” kết thúc tuần qua kèm động lượng thanh khoản bán lớn dẫn đến rủi ro đảo chiều xu hướng. Do đó, nhà đầu tư không nên vội vàng giải ngân. Mốc hỗ trợ MA20 (60,5 điểm) là điểm đặt vị thế an toàn trong nhịp điều chỉnh lần này. Một số cổ phiếu đáng quan tâm là HPG, HSG.

Tin bài liên quan