Chỉ số chung có thể sẽ đi ngang
Tuần giao dịch từ ngày 29/7 đến 2/8, VN-Index giảm 0,44%, xuống 1.236,6 điểm, Chỉ số có mức cao nhất tuần là 1.250 điểm, nhưng sau đó giảm mạnh, đặc biệt trong phiên 1/8, với mức giảm gần 2%, lùi về vùng 1.200 - 1.210 điểm. Lực cầu gia tăng trong phiên cuối tuần đã giúp VN-Index hồi phục đáng kể.
Giá trị giao dịch bình quân duy trì ở mức trung bình, quanh 15.500 tỷ đồng/phiên, không tăng so với tuần trước đó. Tuy nhiên, các phiên giảm điểm từ giữa tuần có thanh khoản tăng dần, cho thấy áp lực bán tăng cao. Diễn biến chỉ số giảm sâu cùng với thanh khoản tăng là dấu hiệu cho thấy lực bán áp đảo. Do đó, số lượng mã giảm giá tăng dần theo từng phiên, không chỉ các mã vốn hóa vừa và nhỏ, mà không ít mã vốn hóa lớn cũng bắt đầu giảm sâu.
Trong bối cảnh thị trường đánh giá kết quả kinh doanh quý II/2024 ở giai đoạn cuối cùng, sự điều chỉnh của thị trường vừa qua có thể xem là hoạt động cơ cấu lại danh mục của giới đầu tư. Thị trường giảm điểm, nhưng vĩ mô vẫn ổn định và đang trong xu hướng hồi phục, nên VN-Index nhiều khả năng sẽ đi ngang trong khung điểm 1.180 - 1.260 ở tuần mới.
Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index đang trong xu hướng giảm ngắn hạn, nhưng khi lùi về vùng 1.200 - 1.210 điểm, lực cầu vẫn hiện diện và chờ đợi tại ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm đã giúp chỉ số xoay chiều vào phiên giao dịch cuối tuần. Kỳ vọng, chỉ số chung sẽ đi ngang trong khung từ 1.200 - 1.250 điểm trong ngắn hạn.
Ngành thép phục hồi mạnh
Ngành thép đang thể hiện sự cải thiện tích cực khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy mức tăng trưởng hơn 90% về mặt lợi nhuận. Trên bức tranh chung đó, sự phục hồi mạnh mẽ về lợi nhuận tập trung ở các doanh nghiệp đầu ngành như HPG, HSG, NKG, các doanh nghiệp quy mô nhỏ có mức tăng thấp hơn, một số đơn vị tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ.
Điều này phản ánh rõ nét tình trạng phân hóa của ngành thép. Các doanh nghiệp lớn trong ngành có lợi thế về quy mô và công nghệ, trong khi bài toán về cạnh tranh và chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp nhỏ vẫn là câu hỏi lớn. Trong bối cảnh ngành vật liệu xây dựng được hỗ trợ chủ yếu bởi đầu tư công thì sự cạnh tranh gia tăng và các doanh nghiệp lớn chiếm ưu thế là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh doanh của ngành thép nói chung đã trở nên sáng hơn với nhiều thông tin hỗ trợ cho triển vọng của ngành, điển hình như thông tin về điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ và thép cuộn cán nóng nhập khẩu. Ngoài ra, xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng trong năm 2024. Theo Hiệp hội Thép thế giới, năm nay, nhu cầu thép toàn cầu ước tính tăng 1,9%, đạt 1.849 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu như ASEAN, châu Âu, Mỹ dự kiến tăng lần lượt là 5,2%, 5,8% và 1,6%, nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng.
Thực tế, con số xuất khẩu các mặt hàng thép, bao gồm cả thép thô và thành phẩm đã tăng hơn 30% trong 6 tháng đầu năm 2024 đã cho thấy triển vọng xuất khẩu của ngành thép Việt Nam.
Trên phương diện đầu tư, thép là một ngành tương đối hấp dẫn, với việc các doanh nghiệp trong ngành có mặt bằng định giá rẻ, kết quả kinh doanh triển vọng và nhiều thông tin hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Mặc dù vậy, việc lựa chọn cổ phiếu cần tập trung vào nhóm các doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế về quy mô và công nghệ để khai thác được các yếu tố về chi phí, trong bối cảnh cạnh tranh diễn ra gay gắt.