Sau “biến cố” Brexit, thị trường đã có chuỗi ngày tăng điểm ấn tượng. Đặc biệt, phiên 13/7, VN- Index tăng hơn 16 điểm và cán mốc 675 điểm. Theo ông, yếu tố nào giúp thị trường có phiên đột phá như vậy?
Sau khi vượt qua cú sốc tâm lý do sự kiện Brexit, chỉ số VN-Index lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua đã vượt qua ngưỡng 650 điểm, cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư tham gia thị trường đang rất tốt. Chính vì thế, việc thị trường tăng hơn 16 điểm trong ngày 13/7 sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philipinnes, tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò” là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, đà tăng của chứng khoán trong nước cũng được hỗ trợ bởi sự tăng điểm ấn tượng của chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 liên tiếp lập những đỉnh cao mới và lan tỏa ra các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Ông Vũ Minh Đức
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội cũng như rủi ro của thị trường hiện tại?
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang nằm trong sóng V trung hạn, là sóng mà điểm số có thể tăng nhanh, đan xen với những phiên “giật” khá mạnh. Do đó, khi VN-Index đang tiệm cận ngưỡng 680 điểm, một nhịp điều chỉnh có khả năng sẽ xảy ra.
Nếu nhìn vào toàn cục, thì dòng tiền đang có xu hướng chốt lãi ở các nhóm cổ phiếu có hệ số beta cao (rủi ro cao, nhưng mức tăng giá mạnh), tăng nóng trong giao đoạn vừa qua như DRH, KSB, EVE, DCL... và quay về nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, CTG, VHG, VIC, VNM.
Ngoài ra, một bộ phận cổ phiếu blue-chip có nền tảng cơ bản tốt như GMD, REE, PVI, VNR, NTP... đang có dấu hiệu tích lũy dòng tiền. Do đó, chúng tôi cho rằng, chiến lược lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này quan trọng hơn việc dự đoán những nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường.
Nhiều nhận định cho thấy, mức định giá P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức trung bình thấp nên triển vọng của thị trường trong thời gian tới vẫn khả quan. Quan điểm của ông như thế nào?
Số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) bình quân của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) trong quý II/2016 chỉ đạt 1,55% so với cùng kỳ năm trước, không đủ sức hỗ trợ cho sự tăng điểm mạnh của thị trường trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang chấp nhận mức P/E của thị trường cao hơn so với mức bình quân khoảng 12 lần trước đó. Chỉ số P/E bình quân của thị trường vào thời điểm cuối quý II là 13,7 lần. Điều này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất là sự quay trở lại mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán khu vực, cụ thể là thị trường Thái Lan, Indonesia, Philippines trong quý II/2016 đã đẩy P/E của các thị trường này cao hơn thời điểm quý I từ 2 - 8%, trong đó mức P/E thấp nhất trong 3 thị trường này là 19,8 lần (Thái Lan), cao hơn nhiều so với P/E trên sàn HOSE.
Thứ hai, thị trường chứng khoán Thái Lan, Indonesia và Philippines đã được xếp vào danh sách các thị trường mới nổi, trong khi thị trường Việt Nam đang ở nhóm thị trường cận biên, cho nên chịu mức chiết khấu P/E cao hơn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Với kỳ vọng vào các động thái tích cực của cơ quan quản lý, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi trong 1 - 2 năm tới, nhà đầu tư kỳ vọng mặt bằng P/E của thị trường sẽ tăng dần lên để tiệm cận với mức P/E của các nước khác trong khu vực.
Xét một cách tổng thể, ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội thị trường trong 6 tháng cuối năm?
Với cách nhìn như vậy, chúng tôi đã làm một phép so sánh VN-Index với thời điểm cuối quý III/2015. Khi đó, P/E của thị trường đang là 11 lần, thấp hơn mặt bằng P/E hiện tại 23%. Với giả định tốc độ tăng trưởng EPS duy trì như quý II/2016, tức là khoảng 1,6% thì cho đến hết quý III này, chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sẽ đạt được mức 700 điểm và xu hướng tăng trung hạn nhiều khả năng được duy trì trong các quý sau đó, nếu không có các yếu tố bất ngờ xảy ra.