Áp lực chốt lời không đáng ngại
Trở lại sau kỳ nghĩ lễ, thị trường có tuần giao dịch ngắn bao gồm 4 ngày, từ 5/9 đến 8/9/2023. VN-Index tiếp tục tăng điểm khá mạnh, đóng cửa tại 1.241,48 điểm, tăng 1,4% so với cuối tuần trước đó.
Mức tăng trên là tương đối tốt, nhưng diễn biến tăng trong tuần qua suy yếu khi VN-Index tiến đến vùng đỉnh ngắn hạn cũ tại 1.245 - 1.255 điểm. Theo đó, 2 phiên giảm điểm cuối tuần tại vùng đỉnh cũ cho thấy áp lực chốt lời gia tăng, với thanh khoản tăng cao, xác nhận áp lực bán chi phối, dù điểm số giảm nhẹ.
Tuy nhiên, với xu hướng trung và dài hạn được duy trì, diễn biến tăng vọt của VN-Index vọt khi đảo chiều từ vùng hỗ trợ 1.150 điểm cho thấy tâm lý tích cực của giới đầu tư. Sự điều chỉnh quanh ngưỡng 1.250 điểm có thể tái diễn trong các phiên giao dịch tới, nhưng sẽ mở ra cơ hội cho mua nhà đầu tư. Nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành đang thu hút lực cầu và dẫn dắt đà tăng của thị trường chung như ngân hàng, chứng khoán, thép.
VN-Index đang hướng đến vùng 1.280 - 1.300 điểm. |
Nhìn lại tuần qua, dầu khí, tài nguyên cơ bản, hàng hóa cá nhân và gia dụng các nhóm ngành có mức tăng giá ấn tượng. Bất động sản tuy có khối lượng khớp lệnh lớn nhất, nhưng chịu áp lực bán, khiến mức tăng chỉ đạt 0,5%. Dịch vụ tài chính và ngân hàng là hai nhóm ngành tiếp theo được dòng tiền quan tâm. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là bên bán ròng, còn nhà đầu tư cá nhân trong nước đẩy mạnh mua ròng.
Bất động sản khu công nghiệp đáng quan tâm
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên như là một công xưởng của thế giới. Trung Quốc đạt được vị thế này sau nhiều năm cải cách nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài. Những điểm nổi bật mà Kafi cho rằng đã giúp Trung Quốc trở thành trung tâm gia công cho toàn thế giới bao gồm: chi phí nhân công thấp với lực lượng nhân công rẻ so với các quốc gia phát triển, chính sách hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, cơ sở hạ tầng phát triển giúp cho việc vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước được dễ dàng, các công nghệ hỗ trợ xoay quanh hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, việc tập trung gia công ở Trung Quốc có yếu tố rủi ro, chẳng hạn vấn đề về quản trị chất lượng và bảo mật trí tuệ. Sau đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều tập đoàn nhận thấy việc tập trung sản xuất tại một quốc gia đã tạo ra rủi ro tiềm ẩn rất lớn về chuỗi cung ứng.
Cộng với việc thiết lập các dây chuyền sản xuất cần một thời gian tương đối dài, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong mạng lưới sản xuất. Xu hướng này được thúc đẩy bởi một số yếu tố khác, bao gồm chi phí nhân công dần gia tăng và những căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Có không ít đích đến cho các tập đoàn toàn cầu như Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Bangladesh, Việt Nam, chi phí nhân công thấp hơn nhưng vẫn có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc trong thu hút đầu tư. Xu hướng này đã nhen nhóm kể từ năm 2022 và Kafi kỳ vọng sẽ tăng tốc trong năm 2024.
Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện hệ thống giao thông huyết mạch, đưa ra các chính sách ưu đãi và tạo môi trường thuận lợi đối với doanh nghiệp nước ngoài để kêu gọi đầu tư. So với Trung Quốc, Việt Nam có chi phí nhân công đang tương đối rẻ và vị trí địa lý sát với Trung Quốc giúp cho việc tận dụng mạng lưới cung ứng hiện hữu của các doanh nghiệp hiệu quả hơn, trong khi có lịch sử thu hút đầu tư tốt (Samsung, LG, Intel, Nike… đã thiết lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam). Ngoài ra, mức độ đô thị hóa thấp tạo ra tiềm năng thu hút nhân lực về các cụm công nghiệp khi được thành lập.
Hiện tại, Việt Nam có nhiều khu công nghiệp đang được quy hoạch và phát triển xung quanh 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM. Việc phát triển 2 cụm cảng nước sâu ở Hải Phòng và Vũng Tàu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics.
Do đó, các doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp có thể được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Ở miền Bắc, KBC được đánh giá là có quỹ đất lớn và sẵn sàng để cho thuê. Ở miền Nam, SZC, NTC, IDC, DPR là những doanh nghiệp có quỹ đất sạch và vị trí dự án kết nối với nhiều tuyến đường giao thông lớn.