VN-Index đang bị nghi kỵ

VN-Index đang bị nghi kỵ

(ĐTCK) Dù đã có 2 phiên hồi phục mạnh và lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên lao dốc 16/10, nhưng đà tăng của VN-Index đang bị hoài nghi do chủ yếu phụ thuộc vào các mã lớn với thanh khoản thấp.

Sàn HOSE đã có 2 phiên hồi phục tốt đầu tuần này, đặc biệt là phiên hôm qua (21/10) với việc VN-Index tăng 11,31 điểm (+1,92%), lấy lại được mốc 600 điểm đã để mất tuần trước. Hai phiên tăng điểm đầu tuần này đã giúp VN-Index bù đắp gần hết những gì đã để mất trong phiên 16/10. Tuy nhiên, những phiên tăng điểm này của VN-Index vẫn để lại cái gì đó “gợn gợn” cho nhà đầu tư do hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Trong khi đó, trên HNX, do không có mã nào đủ sức nặng kéo cả thị trường như trên HOSE, nên HNX-Index đều có 2 phiên trái chiều so với VN-Index.

Đà tăng của VN-Index chủ yếu do sự tác động của các mã lớn như GAS, VNM, VIC, VCB, MSN, PVD, đặc biệt là GAS. Sau thời gian dài giảm giá, GAS đã trở lại mạnh mẽ trong những phiên gần đây, đặc biệt là phiên chiều qua khi lực cầu mạnh được đưa vào, giúp mã này tăng lên mức giá trần với thanh khoản gấp 3 lần phiên trước. Đây chính là nhân tố chính giúp VN-Index lấy lại được mốc 600 điểm trong phiên này.

Dù thị trường tăng mạnh, nhưng thanh khoản 2 phiên đầu tuần xuống mức thấp nhất hơn 2 tháng qua, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng.

Một điểm đáng lưu ý nữa của thị trường là khối ngoại tiếp tục chuỗi ngày bán ròng với mức rút ròng từ đầu tháng 10 tới nay hơn 1.600 tỷ đồng. Đây là áp lực tâm lý không hề nhỏ đối với nhà đầu tư trong nước, nhất là những mã bán ròng của khối ngoại tập trung chủ yếu là blue-chips.

Về thông tin vĩ mô, Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 với mức tăng 0,04% so với tháng trước và tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong 11 năm qua tính cả 2 gốc so sánh. Tính từ đầu năm, CPI của Hà Nội đã tăng 2,09%. Với việc giá xăng, dầu liên tiếp giảm trong thời gian qua, CPI tháng 10 cả nước được dự báo cũng chỉ tăng ở mức thấp.

Trong khi đó, cũng theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố trong tháng 10 tăng 7,3% so tháng trước và tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh hơn nhiều so với 5,2% của tháng 9. Dữ liệu này cho thấy kinh tế vĩ mô đang có những chuyên biến tích cực.

Mặc dù vậy, nhiều nhận định cho rằng, xu thế giảm ngắn hạn của thị trường được thiết lập từ đầu tháng 9 khó bị bẻ gãy. Dù dữ liệu kinh tế của Hà Nội vừa được công bố tích cực, nhưng nhà đầu tư lại đang lo ngại về vấn đề khác, đặc biệt là về nợ công vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công Việt Nam trong năm 2015 dự kiến ở mức 64% GDP, xấp xỉ mức trần 65% GDP được Quốc hội đặt ra.

Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại về vấn đề nợ công của Việt Nam. Trong đó, GS-TS. Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, cỗ xe nợ công của Việt Nam đang quá tải, nhưng đi với tốc độ cao.

Nhận định về xu hướng của thị trường, các công ty chứng khoán vẫn đưa ra cái nhìn thận trọng. CTCK BVSC cho rằng, đà hồi phục của thị trường sẽ sớm gặp trở ngại khi các chỉ số tiếp cận các ngưỡng kháng cự và áp lực chốt lời ngắn hạn từ các giao dịch trading T+ ngày càng gia tăng. Trong khi đó, theo FPTS, nếu thanh khoản không được cải thiện thì chúng tôi cho rằng, VN-Index sẽ khó có khả năng phá vỡ trend giảm ngắn hạn bắt đầu từ đầu tháng 9/2014.

Tin bài liên quan