Quý I: VN-Index tăng 50 điểm, thêm nhiều dòng vốn mới
VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối quý I/2017 với điểm số trên 720, tăng 50 điểm so với đầu năm. Đây là quý đầu năm tăng điểm cao nhất kể từ năm 2014, với đà tăng ổn định, chứ không “giật” như các năm trước.
Trên thế giới, trong quý I/2017, nhiều thị trường tài chính hồi phục ấn tượng, đặc biệt là thị trường Mỹ, tạo tâm lý phấn khởi cho nhà đầu tư trong nước.
Trong nước, thị trường chứng khoán từ quý IV/2016 đến nay sôi động hơn so với mọi năm khi đón nhận dòng vốn mới nhờ có thêm nhiều công ty lên niêm yết, trong đó có không ít doanh nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như VJC, NVL, QNS, HVN, SAB. Bên cạnh đó, một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư khác chảy vào thị trường chứng khoán, tạo nên làn sóng giao dịch mạnh mẽ.
Giá trị giao dịch trong quý I/2017 đạt trên 3.500 tỷ đồng/phiên so với mức trung bình 2.500 tỷ đồng/phiên trong cùng kỳ năm trước. Ngoài cổ phiếu ROS tạo sự biến động lớn về giao dịch, một số cổ phiếu khác tạo “sóng” như HBC, DXG, STB, CII, HAG, thu hút dòng tiền đầu cơ mới trên thị trường.
Điểm khác biệt so với mọi năm là thanh khoản thị trường tăng cao nhưng hầu như không có các phiên điều chỉnh sâu do hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán được kiểm soát khá an toàn và bản thân nhà đầu tư cũng thận trọng hơn trong việc phân bố danh mục cổ phiếu rủi ro.
Khối nhà đầu tư nước ngoài tăng giao dịch cũng góp phần giữ thanh khoản thị trường bằng việc cơ cấu danh mục, mua vào những cổ phiếu cơ bản, trong đó giá trị mua vào của khối ngoại trong tháng 3 tăng cao. Khối ngoại mua vào nhiều nhất trong thời gian gần đây chủ yếu là các mã lớn như VNM, VJC, HPG, CII, CTD, DMC, HSG, NVL.
Các ngành trong quý I tăng trưởng tốt nhất là y tế, xây dựng vật liệu, chứng khoán, ngân hàng và bất động sản. Nhóm ngành dược nổi bật với các cổ phiếu DHG, IMP, DMC, mức tăng giá trung bình hơn 30% nhờ hoạt động kinh doanh nổi bật và các kế hoạch hợp tác mở rộng quy mô hoạt động của những công ty dược hàng đầu. Nhóm xây dựng vật liệu có các cổ phiếu HBC, LCG, CII, CTD tạo các cơn sóng giao dịch rất lớn.
Ngược lại, nhóm ngành tài nguyên cơ bản, dầu khí vẫn gặp nhiều khó khăn. Giá dầu dù không ảm đạm như năm ngoái, nhưng với những diễn biến mới trên thị trường dầu mỏ gần đây, có thể một cuộc cạnh tranh mới sẽ khó đưa giá dầu lên cao hơn 60 USD/thùng - mức giá được đánh giá sẽ mang lại lợi nhuận bền vững cho ngành dầu khí Việt Nam.
Thông thường, hoạt động của thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian từ giữa tháng 3 đến trung tuần tháng 4 khá chậm và có sự điều chỉnh tương đối khi nhà đầu tư chờ đợi kết quả kinh doanh quý I và thực hiện tái cơ cấu danh mục khi thị trường có chu kỳ tăng điểm trước đó.
P/E cao hơn không chỉ do giá tăng
P/E trung bình trên sàn HOSE hiện tại khoảng 14,3 lần, tăng đáng kể so với mức 12,3 lần đầu năm. Xét nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, từ 10.000 tỷ đồng trở lên, có khoảng 23 mã, P/E trung bình khoảng 17,5 lần, không quá cách biệt với P/E trung bình toàn thị trường. Trong nhóm đứng đầu vốn hóa, một số ít có P/E dưới 10 lần là HPG, HSG, CTD, CTG, còn lại là trên 20 lần. Nhìn chung, mức P/E trung bình 14,3 lần có thể xem là khá cao nếu so sánh với quá khứ của thị trường từ năm 2013 đến nay, với mức P/E từ 11 - 12,5 lần.
P/E tăng, ngoài việc giá cổ phiếu tăng lên còn có nguyên nhân đến từ một số cổ phiếu bị suy giảm hoạt động nên lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) sụt giảm, dẫn đến P/E rất cao như STB, EIB, PVD, khiến P/E trung bình toàn thị trường bị ảnh hưởng. Việc có nhiều cổ phiếu lớn lên sàn cũng tạo nên một cục diện mới khi nhà đầu tư đã sẵn sàng chấp nhận mua cổ phiếu có P/E cao hơn như NVL, SAB, VJC, do kỳ vọng về những lợi thế công ty lớn trong ngành và cả lợi nhuận ở mức cao so với các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Thị trường đang có mức P/E cao hơn có thể tạo áp lực bán ra khi một số tổ chức đầu tư đạt kỳ vọng lợi nhuận, thị trường có khả năng bước vào giai đoạn điều chỉnh, nhưng dòng tiền đang giao dịch mạnh sẽ tạo lực đỡ lớn. Trong khi đó, nhiều yếu tố kinh tế được dự báo tăng trưởng trong thời gian tới sẽ hỗ trợ về mặt dài hạn cho thị trường. Chúng tôi tin tằng, năm nay, VN-Index tiếp tục đạt các mốc điểm cao hơn và có thể tăng 20 - 30 điểm trong quý II này.
Cơ hội đầu tư theo nhóm ngành
Kết quả kinh doanh quý I luôn mang lại niềm tin khởi đầu và cho thấy khả năng tạo ra tiền của doanh nghiệp trong cả năm hoạt động. Ngoài ra, mùa đại hội đồng cổ đông công bố các kế hoạch và chiến lược dài hạn của từng doanh nghiệp mà nhà đầu tư rất quan tâm. Dự báo, kết quả kinh doanh quý I năm nay, các nhóm ngành chứng khoán, xây dựng, bất động sản, dược và thép (nguyên vật liệu) sẽ có lợi nhuận khả quan hơn cùng kỳ năm trước.
Ba ngành lớn có sự liên hệ, bổ trợ cho nhau là bất động sản, xây dựng và thép, với khá nhiều doanh nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh quý I/2017 cao hơn cùng kỳ như HPG, HSG, NKG, DXG, CII, LCG,CTD, NVL, HBC, NLG. Ngành thép có thể không có sự đột phá như năm vừa qua, nhưng các công ty đầu ngành duy trì khả năng kinh doanh tốt, chưa kể một số doanh nghiệp nhỏ hơn hồi phục, xóa lỗ lũy kế những năm trước.
Ngành chứng khoán chưa nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, nhưng thanh khoản thị trường đạt kỷ lục và trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp mới liên tiếp lên sàn, sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các công ty ngành này.
Trong quý II, một trong những ngành được quan tâm nhất chính là ngân hàng, với câu chuyện liên quan đến STB, EIB và một số ngân hàng đang chuẩn bị lên UPCoM hoặc niêm yết. Các kế hoạch xử lý nợ xấu, tăng vốn, mở “room” sẽ được đẩy mạnh. Nhiều ngân hàng có chất lượng sẽ niêm yết trong thời gian tới sẽ thu hút nhà đầu tư.
Một số doanh nghiệp đầu ngành ở các ngành khác như VNM, MWG, FPT kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong quý I nhờ giá đầu vào giảm như VNM, hay thị phần tiếp tục mở rộng như MWG.