“VN-Index có thể lấy lại mốc 1.300 điểm trong 6 tháng đầu năm 2024”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định trên được ông Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc chia sẻ cùng Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây. Bình Minh thực hiện.

Khởi đầu năm mới, tháng mới, có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng những triển vọng cho năm 2024?

Ông Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc

Ông Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc

Vâng, theo tôi, năm 2024 sẽ là năm có nhiều sự thay đổi lớn về chính sách tiền tệ, theo hướng nới lỏng ở hầu hết các nền kinh tế lớn, điều này cực tốt cho Việt Nam. Mỹ sẽ giảm lãi suất, kéo theo đó là các nền kinh tế lớn khác như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc cũng “hoà chung xu hướng”, thay vì vẫn ở mức cao như hiện nay.

Về vĩ mô, năm qua xuất khẩu “kém sắc”, liệu với những gì ông vừa nêu, chúng ta có thể kỳ vọng vào một chuyển biến rõ nét?

Sau một năm 2023 xuất khẩu khá kém, bước sang năm 2024, khi chính sách tiền tệ được nới lỏng thì tổng cầu được cải thiện rõ nét trên toàn thế giới. Theo đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh, cởi trói được xuất khẩu. Xuất khẩu được cải thiện sẽ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, cho thị trường chứng khoán bởi Việt Nam là quốc gia lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng.

Với những tin tốt như vậy, ông có dự đoán gì về điểm số của VN-Index trong giai đoạn đầu năm?

2024 là năm các thị trường tài chính thế giới có sự khởi sắc. Do đó, tôi cho rằng VN-Index có thể lấy lại mốc 1.300 điểm trong 6 tháng đầu năm.

Tôi cảm nhận khá rõ nguồn cảm hứng từ giảm lãi suất trong những gì ông vừa chia sẻ?

Đúng vậy, đây là điểm nổi bật. Từ điều này, mặt bằng giá cả hàng hoá toàn thế giới sẽ giảm trong 2024, hỗ trợ cho chi phí giá vốn của doanh nghiệp. Thời gian tới, giá dầu có thể giảm xuống dưới 70 USD/thùng, giá phôi thép và nhiều nguyên, vật liệu đầu vào khác cũng đều đang giảm.

Một lĩnh vực khác vốn cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm là bất động sản. Ông nghĩ gì về triển vọng của ngành này trong năm 2024?

Ngắn gọn thôi! Tôi cho rằng với các chuyển biến nói trên, cùng với các tác động tích cực từ bối cảnh vĩ mô: hành lang pháp lý đang được hoàn thiện, vốn FDI tăng mạnh…, năm 2024 thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại rõ nét hơn ở hầu hết các phân khúc.

Vậy nếu gói gọn diễn biến thị trường trong một câu nói, ông sẽ nói gì?

Tôi cho là: Dần hồi phục từ đáy với những thay đổi chính sách tiền tệ.

Quay lại câu chuyện động lực tăng trưởng. Có vẻ như năm qua, đầu tư công là điểm sáng và đây sẽ vẫn còn là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong năm mới?

Đúng vậy. Đầu tư công vẫn là động lực và được thúc đẩy mạnh trong năm 2024.

Cần phải chú ý, dù đầu tư công năm 2023 được giải ngân khá tốt, nhưng do thị trường bất động sản chưa ấm trở lại, cùng với việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp bị chững lại nên mức độ lan toả của đầu tư công chưa như mong đợi. Tuy nhiên, sang năm 2024, rất có thể điều này sẽ khác, khi các yếu tố vĩ mô cổ vũ, trợ lực cho sự phục hồi tốt hơn thì hiệu ứng từ đầu tư công cũng sẽ rõ nét hơn.

Bối cảnh thị trường tốt như vậy, điều nhà đầu tư quan tâm là cơ hội sẽ đến với những nhóm ngành/nhóm cổ phiếu nào?

Khi có những thay đổi lớn về chính sách tiền tệ, thị trường tài chính, chứng khoán sẽ phục hồi rõ nét hơn và tăng giá. Tôi muốn nhấn mạnh rằng năm 2024 sẽ là “Mùa Xuân chứng khoán”, đến từ các câu chuyện: lãi suất giảm, bất động sản sôi động trở lại, chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong điều kiện như vậy, những ngành nghề như chứng khoán sẽ “bắt sóng” và tăng giá trước tiên. Sau đó là bất động sản, xây lắp, thép, kim loại công nghiệp, bất động sản công nghiệp, ngân hàng…

Tôi thấy giai đoạn thị trường “hưng phấn”, việc tăng vốn sẽ diễn ra nhiều. Liệu điều này có xảy đến trong 2024?

Năm nay, các doanh nghiệp tài chính, chứng khoán sẽ tận dụng giai đoạn thị trường tăng giá để thực hiện kế hoạch tăng vốn. Tôi cho rằng, sẽ có nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng thực hiện tăng vốn trong năm.

Tin bài liên quan