Trong tuần qua, thị trường có sự phân hoá rõ nét khi nhóm vốn hoá lớn ghi nhận giảm giá, nhóm vốn hoá vừa và nhỏ có diễn biến tích cực, nhất là các mã chứng khoán, dầu khí, dệt may. Áp lực chốt lời khiến VN-Index đóng cửa tại 1.261,93 điểm, sau một số phiên đóng cửa quanh ngưỡng 1.280 điểm.
Đặc điểm của thị trường trước vùng kháng cự mạnh là có sự rung lắc và luân phiên phục hồi ở các nhóm vốn hoá trung bình. Bởi vậy, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn tìm kiếm được cơ hội đối với các mã chưa tăng giá nhiều, nhất là khi thanh khoản thị trường chung được cải thiện, cho thấy dòng tiền tiếp tục tham gia.
Ở góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang gặp khó khăn trước vùng cản 1.290 - 1.300 điểm, nhưng xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị vi phạm và vận động rung lắc tại trước vùng cản là điều bình thường. Chỉ số được nhận định có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất là 1.250 - 1.260 điểm, qua đó đón thêm lực cầu để tạo động lực đi lên.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho hay, VN-Index điều chỉnh mạnh trong nửa đầu tháng 4/2024, sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp kể từ tháng 11/2023. Đợt điều chỉnh diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng chỉ số giảm sâu, gần chạm ngưỡng hỗ trợ của kênh tích lũy trung hạn 1.150 điểm. Tuy nhiên, động thái điều chỉnh là không quá bất ngờ khi thị trường tăng điểm trong thời gian dài và tiệm cận ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm.
VN-Index đã hình thành nhịp giảm ngắn hạn trong kênh tích lũy trung hạn, nhưng nhanh chóng tăng trở lại, vượt qua biên trên của kênh tích lũy trung hạn 1.150 - 1.250 điểm, đạt hơn 1.280 điểm trước khi giảm xuống gần 1.260 điểm vào phiên cuối tuần qua.
Chuyên gia SHS dự báo, VN-Index thời gian tới sẽ vận động trong kênh tích lũy rộng 1.150 - 1.300 điểm, chưa có khả năng hình thành sóng tăng.
Trong khi đó, ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, P/E 4 quý gần nhất của VN-Index đang ở dưới mức 14 lần, cùng với đó là mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và E/P của VN-Index giảm mạnh, cho thấy lợi suất của thị trường chứng khoán đang hấp dẫn hơn nhiều so với kênh tiết kiệm, đồng nghĩa với dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán còn nhiều trong dài hạn. Cơ sở cho góc nhìn này là những tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, cũng như sự hồi phục của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các yếu tố vĩ mô kỳ vọng sẽ ổn định hơn trong những tháng tới dưới sự điều hành chính sách chủ động, linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan quản lý.
Xét ngắn hạn, ông Trương Quang Bình cho rằng, sau khi VN-Index có mức điều chỉnh khoảng 100 điểm trong tháng 4/2024 thì sự ổn định và hồi phục trong tháng 5 là bình thường, phiên giảm điểm gần 20 điểm ngày 24/5 không thực sự đáng ngại. Thị trường luôn có cơ hội, tuỳ gu đầu tư của mỗi người. Thực tế, dòng tiền có dấu hiệu quan tâm tới các cổ phiếu có câu chuyện riêng như MWG, hay cổ phiếu “họ” Masan. Với cá nhân ông Bình, ông ưa thích cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng tăng trưởng và định giá hấp dẫn. Các nhóm cổ phiếu đáng quan tâm trong ngắn hạn là ngân hàng (TCB, HDB, ACB, MBB, BID), chứng khoán (FTS, BSI, CTS, VIX, SHS), hoá chất (DGC, PHR, CSV), bán lẻ (FRT, DGW, MWG), công nghệ (FPT, CMG), dầu khí (PVD, PVS).
Một số chuyên gia phân tích khuyến nghị, nhà đầu tư trung và dài hạn nên chờ thêm một số phiên điều chỉnh nếu muốn giải ngân.
Về vấn đề này, nhà đầu tư Quốc Bình cho biết, hàng năm, ông đều mua cổ phiếu FPT, với mục đích đầu tư dài hạn. Sự bứt tốc của cổ phiếu FPT trong thời gian ngắn vừa qua khiến giá trị tài khoản gia tăng, nhưng ông đang xem xét “lướt sóng” cổ phiếu, vì mức định giá hiện không thực sự hấp dẫn trong ngắn hạn, dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt. Tương tự, cổ phiếu CMG cũng tăng giá mạnh, đưa mức định giá P/E 4 quý gần nhất lên 28 lần, cao hơn cổ phiếu FPT (P/E 23 - 24 lần). Cả hai mã cổ phiếu đều không thích hợp để mua mới.