2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 6
BSC đã đưa ra 2 kịch bản cho thị trường vĩ mô tháng 6. Kịch bản thứ nhất: VN-Index duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1.400 điểm. Dòng tiền từ các quỹ ngoại quay trở lại đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường. Diễn biến về việc lây nhiễm mới không quá tiêu cực và làn sóng Covid-19 thứ 4 được đẩy lùi.
Kịch bản thứ 2: VN-Index dao động tích lũy trong khu vực 1.270-1.350 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát hoàn toàn và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn. Hai kịch bản được đánh giá là có xác suất xảy ra tương đương nhau.
Theo BSC, trong những phiên đầu tiên của tháng 6 thị trường có sự đột tăng mạnh mẽ. Ngay phiên ngày 5/6, thị trường đã vượt qua ngưỡng 1.370 điểm. Điều này cho thấy thị trường sẽ nghiêng về kịch bản tích cực hơn, có thể ngưỡng 1.400 sẽ là khu vực mục tiêu đối với VN-Index trong tháng 6.
Một số yếu tố có thể hỗ trợ cho đà tăng này sẽ là việc khối ngoại giảm bớt rút ròng để quay sang mua ròng vào nửa cuối tháng 6. Ngoài ra, nếu làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể được đẩy lùi ngay trong tháng 6 này, cũng là một thông tin hỗ trợ tích cực cho kịch bản thứ nhất.
Với kịch bản VN-Index đạt 1.350 điểm vào cuối tháng 6, dự báo vốn hóa của VN-Index sẽ tiếp tục gia tăng thêm 1,5%. Trong đầu tháng 6, thanh khoản VN-Index cũng thiết lập mức thanh khoản cao nhất trong lịch sử. Phiên giao dịch ngày 4/6, tổng giá trị giao dịch của HOSE đã vượt lên trên ngưỡng 30.000 tỷ đồng. Việc thanh khoản giữ ổn định trong tháng 5, cũng như tiếp tục gia tăng trong tháng 6, cho thấy sự lạc quan nhất định trong thời điểm hiện tại của nhà đầu tư.
Về diễn biến P/E của VN-Index, mặc dù chỉ số VN-Index gia tăng trong tháng 5, P/E của chỉ số vẫn giữ ở mức 18,1, giữ nguyên so với tháng trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 10,16% so với P/E bình quân của 5 năm (16,43 lần). Với kịch bản tích cực, VN-Index chạm ngưỡng 1.400, P/E của VN-Index dự báo tăng lên mức 18,4 trong tháng 6.
P/E của VN-Index trong tháng 5 đã tăng 1 bậc so với tháng 4, đứng vị trí 15 khu vực châu Á. Đáng chú ý hơn, P/E của chỉ số HNX-Index đứng thứ 13 khu vực châu Á. Kết thúc tháng 5, P/E của HNX rơi vào khoảng 20 lần. Tuy vậy, thứ hạng P/E của VN-Index và HNX-Index vẫn còn tương đối rẻ so với các khu vực khác trên toàn Châu Á. Cho nên xu hướng tăng có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Theo BSC, các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý thị trường tháng 6 sẽ là căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc - Đài Loan - Mỹ, cũng như dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường trên thế giới và Việt Nam đang ở trong đợt bùng phát thứ 4.
Tuy nhiên, xu hướng tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng. Cũng vậy, ETFs, FTSE, VNM, MSCI công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục, sẽ tăng thanh khoản cho thị trường. Một yếu tố khác ảnh hưởng tích cực đến thị trường tháng 6 là bộ máy lãnh đạo mới đẩy nhanh việc hoạch định và ban hành các chính sách mới.
Nhóm dầu khí sẽ tiếp tục tăng
Về chiến lược đầu tư tháng 6, BSC cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí khi giá dầu có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo dự báo của công ty chứng khoán BIDV, giá dầu có thể hướng tới khu vực 100 USD/thùng, hỗ trợ cổ phiếu ngành dầu khí.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như bán lẻ, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, có tiềm năng tiếp tục duy trì đà hồi phục trong thời điểm hiện tại.
Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc mua một số ngành như dệt may, thủy sản có thể được hưởng lợi do ảnh hưởng từ dịch bệnh ở Ấn Độ, và Myanmar. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trong quyết định giao dịch và chỉ mua khi các cổ phiếu dời về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn.
Theo đó, BSC đề cử 4 cổ phiếu có vận động khả quan trong tháng 6 là PLC, VTP, PVD, PVS.
Phân tích kỹ thuật cho thấy, PLC hiện tại có xu hướng đi ngang trong trung hạn, và có thể vượt qua được khu vực đỉnh 29.500 - 30.000 đồng/CP. BSC kỳ vọng PLC sẽ hướng tới 36.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, BSC nhận định PVD sẽ sớm vượt qua 26.000 đồng/CP, hướng tới trên 30.000 đồng/CP. Năm 2021, kỳ vọng hướng tới trên 40.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu PVS có mức tăng tuần tương đối ấn tượng 28,36%, thanh khoản theo đó cũng tăng, kỳ vọng hướng tới giá mục tiêu là 36.000 đồng/CP trong những tuần tiếp theo.
Cuối cùng là cổ phiếu VTP với xu hướng hồi phục diễn ra trong 5 tuần liên tiếp, tiếp cận sát ngưỡng 100.000 đồng/ cổ phiếu, cho thấy tín hiệu tương đối lạc quan. BSC nhận định VTP có thể hướng tới khu vực đỉnh lịch sử, sát ngưỡng 120.000/ cổ phiếu trong thời gian tới.