Nhiều ý kiến cho rằng, sau phiên tăng điểm ngày 17/5, trong ngắn hạn, thị trường đang có xu hướng đi vào vùng điều chỉnh. Quan điểm của ông thế nào?
Diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 5 năm nay hoàn toàn khác biệt so với mọi năm. Trong đó, nhóm vốn hóa lớn đang lấy lại được vị thế dẫn dắt ngay sau khi trải qua diễn biến trầm lắng trong quý I năm nay.
Theo quan sát của chúng tôi, sau phiên 17/5, nhiều cổ phiếu đã vượt khỏi vùng đỉnh cũ và thiết lập một bằng giá mới. Theo các yếu tố kỹ thuật, nhịp điều chỉnh là cần thiết trước khi chỉ số thiết lập các mặt bằng giá mới. Tuy vậy, chúng tôi đánh giá nhịp điều chỉnh này sẽ không kéo dài.
Ông Trần Minh Hoàng
Cũng cần lưu ý rằng, đà tăng lần này chủ yếu do các nguyên nhân: (1) giá dầu thế giới tăng khá cùng với triển vọng tích cực trong ngắn hạn; (2) một số tin đồn phi chính thức trên thị trường xoay quanh động thái chính sách; (3) dòng vốn ngoại mới tham gia mạnh vào thị trường chứng khoán trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Trong khi đó, yếu tố nền tảng cho một đà tăng dài và bền vững, hay nói cách khác là sự cải thiện rõ nét từ phía nền kinh tế, lại chưa xuất hiện.
Vì vậy, tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể tiếp tục duy trì đà tăng trong ngắn hạn và có thể đạt lại vùng đỉnh cũ trong tháng 5 này. Tuy nhiên sau đó, áp lực điều chỉnh có thể hiện hữu ở mức đáng kể.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn mới đây dự báo, nếu lãi suất giảm 1% thì thị trường chứng khoán có thể tăng thêm 10%. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa cho việc giảm lãi suất hiện nay là không còn nhiều. Quan điểm của ông ra sao?
Tôi cho rằng, khả năng lãi suất giảm thêm so với mặt bằng hiện tại ít xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh của các lý do sau: (1) rủi ro tỷ giá dù đã tạm lắng, nhưng có khả năng sẽ trở lại trong nửa cuối năm dưới sức ép nâng lãi suất của FED; (2) lạm phát và kỳ vọng lạm phát năm 2016 dù vẫn ở mức thấp, nhưng cũng cao hơn đáng kể so với 2015 và (3) áp lực từ bài toán cân đối thu chi ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ.
Ở chiều ngược lại, tôi đánh giá khả năng tăng của lãi suất cũng khó có thể xảy ra, khi Chính phủ đang tập trung vào mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng sản xuất và phát triển, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, với cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, tôi cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước còn nhiều dư địa chính sách và biện pháp điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất.
Do đó, tôi nhìn nhận mức lãi suất hiện tại khá hợp lý và cân bằng với các mục tiêu đề ra trong bối cảnh nền kinh tế năm 2016.
Khối ngoại duy trì giao dịch sôi động trong những phiên gần đây. Liệu dòng vốn này có tiếp tục chảy mạnh, theo ông?
Tôi nhận thấy, đà tăng của thị trường trong giai đoạn này có sự dẫn dắt lớn của dòng vốn ngoại giải ngân chủ yếu vào các cổ phiếu blue-chips.
Việc trở lại của khối ngoại có thể được lý giải trong bối cảnh bước sang quý II, diễn biến của nền kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến theo hướng thuận lợi hơn: FED thận trọng hơn trong việc ra quyết định nâng lãi suất; nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng như EU, Nhật Bản…; rủi ro từ phía Trung Quốc lắng xuống khi các biện pháp ngăn chặn đà giảm tốc bắt đầu phát huy tác dụng. Trong khi đó, bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng ghi nhận sự ổn định với rủi ro tỷ giá giảm, cơ hội từ Hiệp định TPP.
Tôi đánh giá, dòng vốn ngoại xuất hiện trên thị trường trong giai đoạn này là dòng vốn mới và hoạt động không theo chu kỳ các năm trước.
Xét đến dữ liệu lịch sử, tháng 5 thường không phải là thời điểm các nhà đầu tư ngoại giải ngân mạnh tay thông qua các quỹ ETF. Thêm vào đó, theo số liệu của Bloomberg, số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành của VNM và FTSE gần như không biến động trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Tôi không loại trừ khả năng dòng vốn này có một phần đến từ yếu tố đầu cơ tại P-notes. Các biến động tại dòng vốn này, theo đó sẽ mang tính chất bất ngờ và khó đoán định đặc biệt với số đông nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường.
Trong trường hợp dòng vốn ngoại tiếp tục được duy trì, chúng tôi đánh giá, chỉ số hoàn toàn có cơ hội chinh phục vùng đỉnh trong vòng 2 năm trở lại đây 640 điểm đối với VN-Index và 90 điểm với HNX-Index.
Giá dầu trong xu hướng tăng, sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán như thế nào, theo ông?
Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới chứng kiến đà hồi phục khá mạnh. Nhờ đó, áp lực lên nguồn thu ngân sách nhà nước cũng phần nào được giảm bớt, triển vọng của ngành khai khoáng và các doanh nghiệp dầu khí, theo đó, cũng được cải thiện. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có đầu vào là xăng dầu (như các doanh nghiệp vận tải) và khối các doanh nghiệp ngành tiêu dùng cũng như tâm lý tiêu dùng của người dân lại chịu tác động xấu. Theo đó, sự biến động của giá dầu được nhìn nhận là có ảnh hưởng 2 chiều đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Đứng trên góc độ của thị trường chứng khoán, giá dầu đi lên là một lợi thế lớn do các mã dầu khí có vốn hóa lớn, tỷ trọng cao trong rổ chỉ số và mang tính định hướng thị trường. Tôi hy vọng, các trụ cột này sẽ tạo nên cơ hội cho không chỉ các cổ phiếu dầu khí, mà còn lan tỏa ra toàn thị trường nói chung.