Kết thúc một tuần buồn cho thị trường cổ phiếu toàn cầu, khi gần như toàn bộ các chỉ số chứng khoán lớn đều giảm điểm mạnh: S&P giảm 2%, DJI giảm 1,53%, NASDAQ giảm 2,85%, DAX giảm 4,26%, Euro Stoxx 50 giảm 4,1%, Nikkei giảm 3,2%, ASX 200 (Australia) giảm 1,99%. Chỉ sô CBOE Volatility Index, thước đo “sự sợ hãi” của thị trường tăng vọt 39%, mức cao nhất kể từ sau sự kiện Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).
Phần lớn các quan điểm đều cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là nguyên nhân của sự bất ổn. Cụ thể, cơ hội chiến thắng của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tăng lên, khiến giới đầu tư lo ngại. Hiệu ứng “status quo” (giữ nguyên hiện trạng) khiến giới đầu tư nói chung ưa chuộng ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, bởi chính sách và cá tính của bà được nhìn nhận là “không có nhiều thay đổi” và mang đến sự ổn định, trong khi ông Trump thuộc tuýp khó đoán trong chính sách đối nội, cũng như đối ngoại.
Bên cạnh đó, giới đầu tư vẫn dõi theo động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc nâng lãi suất và liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có kiên định trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Tuần vừa qua, các số liệu kinh tế thế giới đều tích cực. Tăng trưởng việc làm tháng 10, doanh số bán xe của Mỹ và tiêu dùng cá nhân cùng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang khỏe mạnh. Số liệu sản xuất của Trung Quốc cũng tốt hơn kỳ vọng. Giới đầu tư tin rằng, tới 80% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 12 tới và kỳ vọng đó đã phản ánh vào giá các loại tài sản nhạy với lãi suất như trái phiếu chính phủ, REITs, đồng đô-la... Giá hợp đồng tương lai dầu thô giao tháng 12 (CLZ6) giảm 10% trong tuần qua, quay trở lại vùng 40-50 USD/thùng, gây tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp dầu mỏ. Quan trọng hơn, giá dầu cùng với một số kim loại như đồng và kẽm là thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu. Giá sụt giảm mạnh khiến giới đầu tư bi quan về triển vọng kinh tế các quốc gia ngoài Mỹ.
Thị trường cổ phiếu Việt Nam cùng các thị trường cận biên và mới nổi khác có sự tương quan khá chặt chẽ với các thị trường phát triển. Điều này khiến chúng tôi lo ngại, đây có thể là một tín hiệu rủi ro hệ thống (rủi ro không tránh khỏi, cho dù đã đa dạng hóa danh mục) mà các biến số kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp tích cực cũng không giúp ích. Trên hết, điều quyết định rủi ro, hay mức độ thua lỗ của phần lớn nhà đầu tư là giá cổ phiếu, chứ không phải tăng trưởng GDP hay lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thông qua phân tích giá, chúng tôi thấy rằng, VN-Index đã bước vào giai đoạn đầu của xu hướng giảm tính từ giữa tháng 10/2016 và bước giảm này có sự tham gia của hầu hết những cổ phiếu quan trọng như VCB, BVH, CTD, SSI, HPG, PVD... Một số mã trụ khác như VNM, VIC, MWG dù được cầu hỗ trợ, nhưng chỉ là số ít.
Chiến lược của các quỹ đầu tư lớn đang nghiêng về việc phòng thủ, thậm chí tăng vị thế bán khống các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Các tài sản được coi là “safe-heaven” (thiên đường trú ẩn) như Franc Thụy Sĩ, Yên Nhật và kim loại quý đang được ưa chuộng trong bối cảnh bất ổn.