VN-Index 500 điểm: Khởi đầu cho một chu kỳ mới?

(ĐTCK) Sức cầu tăng mạnh trong vài phiên gần đây đã kéo chỉ số VN-Index tái lập mốc tâm lý 500 điểm sau khi để tuột khỏi mốc này cách đây 2 tháng. Chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội cũng có được nhiều phiên giao dịch hứng khởi. Đà tăng trưởng này có được hỗ trợ bởi những yếu tố kinh tế thực?

Mốc điểm 500 của VN-Index là sự khởi đầu cho một chu kỳ mới hay ngay sau đây sẽ diễn ra những đợt phân phối như vẫn thường thấy sau mỗi đỉnh dốc? ĐTCK đã đi tìm lời giải đáp từ một số chuyên gia và thành viên thị trường.   

Ông Johan Nyveve, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM

Thị trường đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố kỹ thuật, nên tâm lý thị trường vẫn lạc quan. Bên cạnh các blue-chip, nhiều mã cổ phiếu có thị giá nhỏ được nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào. Theo quan sát của chúng tôi, lượng mua vào đối với cổ phiếu có thông tin cơ bản tốt tăng rất mạnh, như cổ phiếu ngành thép, bất động sản, cao su… Cổ phiếu ngành bánh kẹo cũng được quan tâm vào thời điểm này do kỳ vọng của nhà đầu tư đối với ngành này tăng lên khi mùa Trung Thu đang đến gần. Ngoài ra, khi thị trường đang trong xu hướng tăng thì những thông tin như DN phát hành cổ phiếu thưởng hay trả cổ tức cao bằng tiền mặt cũng tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ tác động của những tin đồn mang tính làm giá.

Trong tháng 7, giá trị mua của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm 14,2% tổng giá trị giao dịch của HOSE và giá trị bán chiếm 7,9% tổng giá trị giao dịch của HOSE. Từ đầu tháng 8 đến nay, giao dịch của nhà ĐTNN chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Vì vậy, tác động của nhà ĐTNN đến xu hướng thị trường là không lớn.

Ngân hàng Nhà nước đang triển khai việc thắt chặt tín dụng một cách thận trọng. Nhiều khả năng, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại sẽ tăng để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ cho vay trên vốn huy động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền vào TTCK và thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sẽ không ảnh hưởng ngay. Vì vậy, nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến của chính sách tiền tệ để có thể ứng phó kịp thời.

Ông Nguyễn Thanh Bắc, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBS)

Theo quan điểm của chúng tôi, khối lượng giao dịch tăng dần trong xu hướng tăng điểm của chỉ số chứng khoán là tín hiệu tích cực cho TTCK. VN-Index bắt đầu bước vào vùng kháng cự mạnh 501 - 515 điểm. Mặc dù áp lực chốt lời trên thị trường khá cao, nhưng lượng cầu vẫn được duy trì tốt. Điều này cho thấy xu hướng tăng điểm đang được củng cố và thị trường đi vào ổn định. Bên cạnh đó, nếu những khuyến nghị tiếp tục bổ sung gói kích cầu được thực hiện cũng có thể khiến dòng tiền ngắn hạn quay trở lại TTCK. Chúng tôi tin tưởng rằng, TTCK đang trên đà tăng trưởng tốt và khả năng VN-Index sẽ vững vàng trước các đợt chốt lời trong vùng kháng cự 501 - 515 điểm và có thể tiến xa hơn.

Thực tế, gói kích cầu của Chính phủ đã và đang giúp nhiều DN cải thiện kết quả kinh doanh. Đó chính là cơ sở để nhà đầu tư có thêm cái nhìn lạc quan hơn về thị trường, khi các DN sản xuất dần đi vào ổn định, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bền vững trong dài hạn.

Ông Tống Minh Tuấn, Phòng Phân tích, CTCK BSC

Khác với những lần tăng điểm khác của VN-Index từ đầu năm đến nay, có nhiều lý do để chúng tôi tin tưởng rằng, khả năng trụ vững trên mức 500 điểm trong đợt này là rất lớn.

Trước hết, về mặt kỹ thuật, thị trường tăng điểm rất từ từ và vững chắc khi hội tụ đủ những yếu tố như: khối lượng giao dịch lớn, biên độ dao động hẹp. Các phiên tăng điểm có diễn biến vững vàng hơn, tăng không quá mạnh, giảm cũng không gây ra những cú sốc.

Về các yếu tố cơ bản, thị trường được hỗ trợ mạnh bởi xu hướng kinh tế thế giới đang hồi phục. Đặc biệt, nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu thoát đáy rõ ràng với tỷ lệ thất nghiệp dần giảm xuống. Đối với tin hỗ trợ trong nước, chúng tôi được biết Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giữ chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế trong nước và có lợi cho TTCK. Có thể sẽ không có những cú sốc thanh khoản đối với thị trường. Các thông tin kinh tế vĩ mô khác nhìn chung cũng đang rất thuận lợi.

Nhìn về mặt giá trị, chỉ số P/E của Việt Nam đang khá hấp dẫn, chưa kể bắt đầu từ quý III, quý IV, một số DN thuộc nhiều ngành sản xuất sẽ có những đột biến về lợi nhuận. Quý II, chúng ta đã chứng kiến kết quả lợi nhuận cao của nhóm ngân hàng, tài chính; trong quý III, quý IV này, lợi nhuận của các ngành sản xuất, xây dựng, xuất khẩu… sẽ lấy lại ưu thế này. Tất cả những yếu tố trên đều có tác động làm cho mặt bằng của VN-Index tăng lên một tầm cao hơn. Chính vì vậy, khả năng trụ vững qua mức 500 điểm của VN-Index là khá rõ ràng.