VN-Index 500 điểm: Dòng tiền sẽ chảy mạnh hơn?

VN-Index 500 điểm: Dòng tiền sẽ chảy mạnh hơn?

(ĐTCK)  Đâu là lý do VN-Index chịu lực cản tại mốc 500 điểm và liệu 500 điểm có thể trở chuyển trạng thái, từ ngưỡng kháng cự sang ngưỡng hỗ trợ cho VN-Index?

> Sáng 19/7: VN-Index vượt qua mốc 500 điểm

Khó vượt 500 điểm vì… tâm lý

Mang câu hỏi vì sao VN-Index luôn gặp lực cản tại ngưỡng 500 điểm, câu trả lời mà ĐTCK nhận được là: tâm lý.

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI) nhận xét, 500 điểm là mức số tròn nên bản thân NĐT có tâm lý giao dịch thận trọng hơn khi chỉ số này tiệm cận mức 500 điểm. Các ngưỡng điểm chẵn như trên sẽ là ngưỡng hỗ trợ hoặc ngưỡng kháng cự rất lớn của thị trường. Thêm vào đó các bản phân tích kỹ thuật của nhiều CTCK cũng chỉ ra rằng, ngưỡng kháng cự của TTCK ở mức 500 điểm, nên tâm lý NĐT có phần thận trọng.

VN-Index 500 điểm: Dòng tiền sẽ chảy mạnh hơn? ảnh 1

Từ đầu năm 2013, VN-Index đã nhiều lần chinh phục thành công ngưỡng 500 điểm, nhưng thời gian trụ lại là không lâu - Nguồn: TVSI

Cùng chung quan điểm này, Giám đốc môi giới CTCK thuộc TOP 10 thị phần nhận xét, 500 điểm chịu ngưỡng tâm lý rất lớn, khiến nhiều NĐT quan tâm từ khoảng 3 năm nay. Thêm vào đó, thống kê của các CTCK cho thấy, có lượng khách hàng không nhỏ bị “kẹt” hàng ở mức trên 500 điểm, nên cứ chạm ngưỡng này là thị trường lại đón nhận một lượng cung lớn từ những nhà đầu tư bị “kẹt”. Vì thế, việc thị trường “lấn cấn” ở mức 500 điểm là dễ hiểu.

Một điểm nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thị trường, đó là nhận xét từ các CTCK. Nhiều CTCK lớn đã đưa ra kế hoạch kinh doanh gắn với mức 500 điểm, như trường hợp của CTCK Sài Gòn, CTCK Bảo Việt…, khiến NĐT có ý thức cao hơn về các ngưỡng kháng cự này.

 

Cơ hội để vượt 500 điểm

Tháng 6, VN-Index vượt khá xa ngưỡng 500 điểm, nhưng một đợt bán ra ồ ạt, với lượng rút vốn ròng của NĐT ngoại trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã nhấn chìm nỗ lực tăng điểm trước đó của chỉ số chứng khoán.

Nhận xét về đợt giảm điểm này, ông An cho rằng, dù giảm, nhưng việc TTCK không bị giảm điểm mạnh khi khối ngoại rút ra ồ ạt cho thấy, sức hấp thụ của NĐT nội tương đối lớn. Về dòng tiền hiện nay, theo ông An, dù nền kinh tế có các gói kích thích, nhưng dòng tiền trên thị trường là dòng tiền thực, muốn đầu tư vào chứng khoán, không phải là dòng tiền nóng, giao dịch nhằm mục tiêu ngắn hạn như giai đoạn năm 2009. Với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, VN-Index có cơ hội để vượt 500 điểm một cách từ từ, bền vững, nếu không có yếu tố đột biến xuất hiện. “500 điểm có thể sẽ là ngưỡng hỗ trợ mới, khi VN-Index vượt qua mốc này một cách vững chắc”, ông An nói.

Về vấn đề dòng tiền, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) chia sẻ, dòng tiền chảy vào TTCK nhìn chung vẫn ổn định, dù có thể khó có đột biến.

“Không có thống kê toàn thị trường, nhưng tôi cho rằng, dòng tiền vào chứng khoán khó đột biến. Có quan điểm cho rằng, tiền đang chuyển từ trái phiếu sang cổ phiếu, nhưng tôi không nghĩ vậy. NĐT trái phiếu thường là ngân hàng, khi kết chuyển lợi nhuận đầu tư trái phiếu thời gian qua, phần nhiều không chuyển tiền để đầu tư cổ phiếu. Còn NĐT cá nhân thì không đầu tư trái phiếu. Về quan điểm hạ lãi suất khiến dòng tiền chuyển từ tiết kiệm sang chứng khoán, tôi nghĩ có, nhưng không lớn”, ông Giang nhận xét.

Bình luận về khả năng TTCK vượt mức 500, theo ông Giang, từ nay tới cuối năm, TTCK có thể không tăng mạnh, nhưng VN-Index vượt mức 500 điểm thì có thể. “Mặt bằng lãi suất hiện nay đã ổn định và chi phí vốn hiện nay ở mức tương đối thấp, lạm phát cũng đã ổn định. Xác xuất để diễn biến kinh tế vĩ mô xấu hơn nữa là rất thấp, nhưng đi lên mạnh thì khó”, ông Giang nói.

Ở quan điểm thận trọng hơn, ông Nguyễn Bá Huy, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK VNDirect cho rằng, TTCK đang phản ánh khá chính xác thực trạng nền kinh tế và xác suất để VN-Index đi lên trên 500 điểm rồi giảm trở lại khá lớn. Có 3 lý do được ông Huy đưa ra.

Một là, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam và chưa có dấu hiệu quay trở lại. Trong khi đó, vốn ngoại là động lực khá quan trọng đối với việc tăng trưởng của TTCK trong nước.

Hai là, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn lớn, dù VAMC đi vào hoạt động thì nợ xấu chưa thể giải quyết ngay, khó khăn chung với DN bất động sản và ngân hàng vẫn còn đó, trong khi đây là 2 lĩnh vực chính trên TTCK hiện nay.

Ba là, dòng tiền vẫn chưa quay trở lại TTCK một cách mạnh mẽ, bởi nhiều quỹ đầu tư có tỷ lệ tiền mặt tương đối lớn, còn người dân chưa sẵn sàng chuyển từ gửi tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán, dù lãi suất tiết kiệm đã khá thấp.

Dòng tiền chần chừ là vì sao? Theo ông Huy, ngoài việc nền kinh tế chưa thực sự tốt lên, thì việc thiếu các hàng hóa tốt, có thể mua được trên TTCK cũng là lý do quan trọng ngăn cản dòng tiền. “Những mã chứng khoán tốt như VNM, FPT… NĐT ngoại sẵn sàng mua thì luôn thiếu room. Còn những mã có thể mua được thì không phải lúc nào cũng đáp ứng được khẩu vị của NĐT ngoại. Trạng thái của nhiều NĐT lớn trong nước cũng như vậy”, ông Huy nói.