VN-Index 1.500 sẽ không trở lại, 2023 không phải năm để phiêu lưu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tại tọa đàm với chủ đề “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 7/2.

Tại tọa đàm với chủ đề “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới” do Báo Đầu tư tổ chức, với góc nhìn thận trọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện chưa nhìn thấy dấu hiệu phục hồi của thị trường. Việc VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 như năm ngoái có lẽ không xảy ra.

Phân tích cụ thể hơn về 5 thị trường đầu tư truyền thống: Chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và tiền gửi tiết kiệm, ông Hiếu cho rằng, 2023 không phải năm để mở rộng và phiêu lưu mạo hiểm, mà là năm đánh giá lại danh mục đầu tư và tái cơ cấu.

Các diễn giả trao đổi trong phiên 1 tọa đàm “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới”. Ảnh: Dũng Minh

Các diễn giả trao đổi trong phiên 1 tọa đàm “Nhận diện 2023: Cơ hội đầu tư mới trong môi trường mới”. Ảnh: Dũng Minh

Với thị trường chứng khoán, thị trường tiếp tục trầm lắng. Trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 7 lần và tới nay, chưa biết khi nào sẽ ngừng tăng lãi suất. Theo ông Hiếu, thị trường sẽ tiếp tục dao động, chưa thể bước vào xu hướng tăng cho tới khi Mỹ kiểm soát được lạm phát, chấm dứt tăng lãi suất. Tại thị trường Việt Nam, chính phủ có thêm các biện pháp hỗ trợ thị trường.

Tại thị trường bất động sản, theo ông Hiếu, tình trạng trầm lắng kéo dài ít nhất trong quý I/2023. Nhiều nhà đầu tư bất động sản, những người đang “ôm tiền” đều đang trong trạng thái chờ đợi, khiến thanh khoản thị trường èo uột. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản, nhà phát hành trái phiếu… thì “tim đập chân run” khi lãi suất tăng lên, các món nợ dần đến hạn. Việc lượng lớn trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành đến hạn năm 2023 cũng tạo nên rủi ro vỡ nợ, thậm chí vỡ nợ hàng loạt.

Một thị trường thường được nhà đầu tư quan tâm trong bối cảnh biến động là vàng. Thị trường vàng trong nước sẽ theo nhịp của thị trường thế giới và nhiều khả năng leo dốc trong năm 2023. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn thận với thị trường vàng, vì thường có hiện tượng khan hiếm nhân tạo “giả tạo” trên thị trường, khi nhà đầu tư cho rằng đây là hàng hoá khan hiếm, từ đó tạo ra sự chênh lệch lớn giữa thị trường thế giới và việt nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế trả lời phóng vấn báo chí bên lề Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế trả lời phóng vấn báo chí bên lề Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Về kênh đầu tư ngoại hối, theo ông Hiếu, đây là ẩn số lớn. Hiện tại, Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu, lượng nhập khẩu cũng lớn, nhu cầu với USD cao… Các yếu tố trên tổng hợp tạo tác động đẩy tỷ giá lên. Ngân hàng Nhà nước có thể trong trạng thái bị động và có thể chấp nhận việc VND bị mất giá ở mức độ nhất định.

Với kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm, thoạt nhìn, ngân hàng tăng lãi suất huy động là tin tốt. Tuy nhiên, lãi suất đầu vào cao thì lãi suất cho vay cũng tăng lên, tạo gánh nặng tài chính đè lên người đi vay và doanh nghiệp, tác động tới hoạt động sản xuất – kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

“2023 không phải năm để mở rộng và phiêu lưu mạo hiểm, là năm đánh giá lại danh mục đầu tư và tái cơ cấu”, ông Hiếu đánh giá.

Vậy với những phân tích kể trên, nhà đầu tư nên cơ cấu lại theo hướng nào?

Theo ông Hiếu, nhà đầu tư cần biết quản lý rủi ro, bởi đây là yếu tố quyết định hành động. Trước tiên, cần định nghĩa được khẩu vị rủi ro của mình. Tiếp theo đó là có cơ chế kiểm soát rủi ro: xác định mức chốt lời, cắt lỗ, có kỷ luật đầu tư... Mức độ thiệt hại mà nhà đầu tư chấp nhận được là bao nhiêu. Phải dự trù và xác định được mức độ thiệt hại có thể chấp nhận.

“Với tôi, trong năm nay, tôi lựa chọn đầu tư vào những thương hiệu tốt, có uy tín. Kênh trái phiếu cần rất cẩn thận. Khẩu vị rủi ro của tôi năm nay là đầu tư vào thị trường vàng”, ông Hiếu chia sẻ thêm về khẩu vị rủi ro cá nhân.

Tin bài liên quan