Gần 50% cổ phiếu giảm giá, “chết” thanh khoản
Ngày 4/1/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra quyết định đưa cổ phiếu NDF của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Nam Định vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch do vi phạm nghiêm trọng các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Án phạt với NDF được đưa ra sau khi doanh nghiệp công bố đính chính số liệu trên báo cáo quản trị giai đoạn 2015 - 2017, theo đó không có bất cứ cuộc họp nào của Ban Kiểm soát được thực hiện trong suốt thời gian này so với những con số báo cáo trước đó.
Phiên cuối tuần qua (5/1), cổ phiếu NDF được giao dịch ở mức giá sàn 3.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với cuối năm 2016, nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức 19.000 đồng/cổ phiếu đạt được trong năm 2017 khi kết quả kinh doanh được cải thiện.
Dù VN-Index tăng ấn tượng đến 48% trong năm 2017, đặc biệt là quý IV và ngay trong những phiên giao dịch đầu năm 2018, chỉ số tăng vượt mốc 1.000 điểm, nhưng câu chuyện nhà đầu tư thua lỗ khi đặt sai niềm tin vào doanh nghiệp như NDF khá phổ biến. Thống kê giá đóng cửa của 695 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE và HNX trong năm 2017 (không bao gồm các cổ phiếu niêm yết mới) cho thấy, 120 cổ phiếu (17%) có mức sinh lợi cao hơn VN-Index, nhưng có 308 cổ phiếu (44%) giảm giá so với đầu năm và 15 cổ phiếu đã phải rời sàn.
Trong danh sách thị giá cổ phiếu tăng trưởng âm này, ngoài những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kém hiệu quả, thiếu minh bạch, có một số doanh nghiệp đầu ngành, thị phần lớn, dẫn đầu về chỉ số thu nhập trên vốn cổ phần (EPS) và tỷ lệ cổ tức như MAS, VNS, DBC, SKG, TMS, WCS… Các cổ phiếu này từng được đánh giá là những cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhưng khó khăn trong kinh doanh, cạnh tranh cao khiến diễn biến giá cổ phiếu đi ngược xu hướng tăng của thị trường.
Bên cạnh sự phân hóa thị giá, xu hướng phân hóa của thanh khoản cũng trở nên rõ rệt. Giá trị giao dịch bình quân/phiên của TTCK năm 2017 tăng gần 63% so với năm 2016, nhưng gần một nửa số cổ phiếu niêm yết hầu như không có giao dịch, hoặc giá trị giao dịch không đáng kể.
Đơn cử, phiên giao dịch cuối năm 2017, thị trường vẫn trong xu hướng tăng, nhưng trong số 734 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết chỉ có 67 mã đạt khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, chiếm 9,1%; có tới 359 mã (48,9%) có khối lượng khớp lệnh dưới 10.000 đơn vị, trong đó có 118 mã không có giao dịch.
VN-Index quay trở lại mốc 1.000 điểm với diễn biến tăng mạnh về thanh khoản là một trong những sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của TTCK. Tuy nhiên, bức tranh thị trường đã và đang thể hiện sự phân hóa rõ nét. Có nhiều phiên, các cổ phiếu blue-chips đầu ngành như VNM, VIC, VCB, GAS, SAB tăng giá, đẩy chỉ số tăng mạnh, nhưng phần lớn thị trường chìm trong sắc đỏ, với nhiều cổ phiếu thuộc nhóm săm lốp, xi măng, vận tải… thiết lập vùng đáy 6 - 12 tháng.
Cơ hội “định giá lại”
Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô dự báo tiếp tục hỗ trợ TTCK như GDP và tín dụng tăng trưởng, lãi suất và tỷ giá ổn định, dòng tiền đầu tư nước ngoài gia tăng…, VN-Index năm 2018 được nhiều chuyên gia nhận định có thể sớm vượt mức đỉnh 1.171 điểm đạt được gần 11 năm trước và hướng tới các mức cao hơn.
Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng sôi động với kết quả kinh doanh tăng trưởng sau thời gian dài tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giảm sở hữu chéo, nhóm dầu khí hồi phục tích cực theo giá dầu thế giới, thì các ngành chứng khoán, hạ tầng, logistic, bất động sản cũng được đánh giá có nhiều triển vọng.
Bên cạnh đó, câu chuyện thoái vốn, bán vốn nhà nước với hàng loạt thương vụ lớn được khởi động ngay trong tháng 1/2018 như BSR, PV Oil, PV Power, Vinafood 2, hay Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tiếp tục thoái vốn khỏi BMP, DMC, FPT, NTP… đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, khác với con sóng đầu năm 2007 khi lượng cung còn thấp so với sức cầu dẫn đến cổ phiếu tăng giá ồ ạt, định giá thu nhập trên mỗi cổ phần (P/E) của nhiều cổ phiếu lên tới cả trăm lần, thì trong lần trở lại ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index vừa qua, mức tăng của thị trường có phần bền vững hơn nhờ sự mở rộng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Mặt khác, định giá của thị trường chung vẫn còn dư địa tăng trưởng khi đóng cửa phiên 4/1, P/E của VN-Index là 19,68 lần, cao hơn không nhiều so với thị trường Thái Lan (17,36 lần), Malaysia (18,23 lần) và thấp hơn đáng kể so với thị trường Philippines (23,59 lần), Indonesia (22,87 lần)…
Bỏ qua những câu chuyện tương tự như NDF, với những doanh nghiệp muốn tận dụng sự tăng trưởng của TTCK để lan tỏa uy tín, thương hiệu, gia tăng thị giá, thanh khoản, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cổ đông, thì bối cảnh thị trường năm 2018 và dòng tiền tái cơ cấu danh mục là cơ hội để những cổ phiếu bị lãng quên được định giá lại.
Tuy nhiên, khi mà có tới hơn 1.400 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, cùng nguồn cung dồi dào từ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sắp tới, để thu hút dòng tiền, tăng trưởng thị giá, thanh khoản, thì bên cạnh tập trung cải thiện hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp cần nỗ lực minh bạch, nâng cao chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Thực tế, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến “chết” giá, “chết” thanh khoản tại nhiều cổ phiếu hiện nay là do thông tin về doanh nghiệp mờ nhạt, ngoài những thông tin cơ bản, định kỳ công bố theo quy định, thì thông tin cập nhật về hoạt động kinh doanh, tài chính trên website doanh nghiệp, các trang dữ liệu thị trường, báo tài chính - chứng khoán, hay trên các diễn đàn mạng gần như không có. Sự thiếu tương tác với thị trường, nhà đầu tư dẫn đến kết quả là cổ đông bị mắc kẹt bởi cổ phiếu có thanh khoản thấp.