VKC Holdings (VKC): Cổ phiếu bị “đuổi” khỏi sàn, nguy cơ mất đất trụ sở cận kề

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời gian ngắn, cổ đông của Công ty cổ phần VKC Holdings (mã chứng khoán VKC – sàn HNX) liên tiếp đón nhận các thông tin tiêu cực.
VKC Holdings (VKC): Cổ phiếu bị “đuổi” khỏi sàn, nguy cơ mất đất trụ sở cận kề

Ngày 17/4/2023, VKC Holdings nhận được thông báo của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) về việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm tại thửa đất số 9183, tờ bản đồ số 4 (2BA.8) tại phường Bình An, thị xã Dĩ An (nay là thành phố Dĩ An), tỉnh Bình Dương, hiện tại là trụ sở làm việc của VKC Holdings.

Tính đến thời điểm hiện tại, nợ gốc của VKC Holdings tại VPBank là 66,7 tỷ đồng. VPBank cho biết, đã nhiều lần nhắc nhở, hỗ trợ, tạo điều kiện để VKC Holdings thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên Công ty vẫn không thực hiện đúng cam kết trả nợ, vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay và không tự nguyện trong việc bàn giao tài sản đảm bảm để tiến hành xử lý thu hồi nợ.

VPBank sẽ thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số công chứng 000929 ngày 17/01/2020 và hợp đồng sửa đổi bổ sung số 013343 ngày 30/09/2020 được ký kết giữa Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh (sau đổi tên thành Công ty cổ phần VKC Holdings) với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – chi nhánh Bến Thành. Thời gian tiến hành thu giữ sau 15 ngày kể từ ngày VPBank công khai thu giữ tài sản bảo đảm cho tới khi thực hiện thu giữ xong tài sản bảo đảm.

Trước đó, ngày 29/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành Quyết định số 184/QĐ-SGDHN về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc 20 triệu cổ phiếu VKC kể từ ngày 25/4/2023.

Nguyên nhân hủy niêm yết cổ phiếu là do Công ty có khoản lỗ lũy kế tới cuối năm 2022 hơn 215 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp ghi nhận cùng thời điểm là 200 tỷ đồng, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e và điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Điểm đáng nói, năm 2022 chính là năm đầu tiên VKC lỗ kể từ ngày niêm yết. Theo giải trình của Công ty, khoản lỗ lớn trong năm 2022 là do Công ty phản ánh vào chi phí đối với giá trị hàng tồn kho thiếu từ kết quả kiểm kê cuối năm và Công ty thực hiện việc trích lập chi phí dự phòng các khoản nợ phải thu quá hạn, khó đòi.

Bên cạnh đó, do có sự thay đổi lớn về nhân sự chủ chốt (Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc và Kế toán trưởng) và Công ty đang trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động, nên quy mô doanh thu chưa ổn định trở lại. Kết quả doanh thu năm 2022 của VKC giảm 70,16% so với năm trước.

Đáng chú ý trong chuyển động nhân sự thượng tầng của VKC Holdings, vào ngày 16/3 vừa qua, bà Vũ Thị Thu Hương - Phó chủ tịch HĐQT và ông Ngô Xuân Long - Thành viên Ban kiểm soát Công ty đã gửi đơn xin rút đơn từ nhiệm. Trước đó, vào giữa tháng 11/2022, cả hai nhân sự trên đã gửi đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân và đã chấm dứt thực hiện nhiệm vụ của công ty cho đến nay.

VKC Holdings đã có văn bản phúc đáp và cho biết, trong thời gian qua bà Hương và ông Long “đã không hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội đồng cổ đông đã giao phó”. Công ty sẽ tiếp nhận đơn và trình Đại hội đồng cổ đông trong phiên họp gần nhất, để Đại hội đồng cổ đông quyết định việc miễn nhiệm hay chấp thuận đơn xin rút đơn từ nhiệm.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, doanh thu thuần của VKC Holdings đạt 7,5 tỷ đồng, giảm mạnh 95,1% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế âm 17,1 tỷ đồng.

Một trong những lý do khiến VKC tiếp tục báo lỗ nặng trong quý đầu năm 2023 là chi phí lãi vay phải trả tăng cao (hơn 10,5 tỷ đồng), xuất phát từ xu hướng tăng lãi suất chung của toàn thị trường và Công ty không trả được các khoản nợ đến hạn, nên bị áp dụng mức lãi suất phạt cao như trường hợp với VPBank.

VKC Holdings hiện đã âm vốn chủ sở hữu, nợ phải trả vượt quy mô tài sản. Báo cáo tài chính quý I/2023 của VKC Holdings ghi nhận tiền mặt và các khoản tương đương tiền chỉ còn 1,05 tỷ đồng.

Tin bài liên quan