Vitas: Nên tăng lương ở mức 6% để doanh nghiệp còn "thở" được

Các doanh nghiệp dệt may kiến nghị, tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 nên ở mức 6%, để doanh nghiệp còn “thở” được.

Vitas: Nên tăng lương ở mức 6% để doanh nghiệp còn "thở" được

Doanh nghiệp trong ngành dệt may đang “phát sốt” trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2016, với mức tăng thêm hơn 16% so với hiện tại.

Trước đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, với lương tối thiểu các vùng dự kiến tăng 350.000 - 550.000 đồng mỗi mức, tức là tăng khoảng 16%.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang rất lo lắng về phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức gần 16%,  bởi sẽ có không ít doanh nghiệp không thể có điều kiện chi trả lương.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Vitas cho rằng, nếu tăng lương tối thiểu vùng, nên tăng ở mức 6% là hợp lý, để các doanh nghiệp ngành dệt may còn có thể chịu được.

Thực tế, việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Cụ thể, hiện doanh nghiệp phải trích nộp 24% (trong đó bảo hiểm xã hội 18%, bảo hiểm y tế 3%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, kinh phí công đoàn 2%), người lao động phải đóng 10,5% và 1% đoàn phí nếu là đoàn viên công đoàn.

Theo đó, khi lương tối thiểu vùng 2016 tăng, thì mức đóng sẽ tăng tương ứng. Đặc biệt, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, mức đóng sẽ căn cứ vào tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Số tiền này sẽ còn tăng thêm khoảng 30%. 

Ngành dệt may Việt Nam trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Năm 2006, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu mới đạt 5,9 tỷ USD, đến năm 2014 đã đạt 24,69 tỷ USD, tăng gấp 4,5 lần năm 2006 và tăng 17,1% so với năm 2013.

6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may ước đạt 12,06 tỷ USD tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh vị trí là ngành công nghiệp đóng góp kim ngạch xuất khẩu nhất, nhì cả nước, ngành dệt may còn thu dụng gần 3 triệu lao động, đóng góp vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tại các vùng đồng bằng, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức như sức ép cạnh tranh về đơn hàng, giá điện, than, phí và phụ phí cảng và tàu biển… tăng.

Đặc biệt, tiền lương tối thiểu vùng chỉ tính từ ngày 1/1/2010 đến nay đã tăng 2,2 - 2,3 lần.

“Nếu tăng lương tối thiểu vùng lên mức trên 16% như đề xuất, thì thực sự là cơn ác mộng với các doanh nghiệp dệt may. Chúng tôi đã đi khảo sát tại không ít doanh nghiệp và đại đa số doanh nghiệp đều kêu rất nhiều. Tăng thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp nào cũng muốn, nhưng tăng như thế nào để đảm bảo doanh nghiệp vẫn tồn tại và phát triển được thì mới bền vững”, ông Cẩm nói.

Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ thu phí công đoàn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cao nhất trong khu vực. Theo Vitas, Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn một cách hợp lý, bởi thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) các nước trong khu vực như Malaysia đóng khoảng 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%.

Việc tăng lương tối thiểu vùng ở mức cao và duy trì tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cao như hiện nay được các doanh nghiệp lý giải cũng là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Theo số liệu của ngành thuế, hiện cả nước có khoảng 483.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Đây là số liệu đáng báo động để Nhà nước cân nhắc khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, cơ quan này và các hiệp hội doanh nghiệp thảo luận về tăng tiền lương tối thiểu và đề xuất dừng ở mức 10%.

“Mức này bù được sự mất giá của đồng tiền và phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động hiện nay. Đại diện giới chủ sử dụng cho rằng, tăng lương tác động lớn đến xã hội và nền kinh tế, nên phải đưa ra một con số phù hợp, nếu không doanh nghiệp sẽ bị sốc, không thể mở rộng sản xuất được”, ông Lộc cho biết.

Tin bài liên quan