VIS đảm bảo công suất sản xuất tăng trưởng ít nhất 30%

VIS đảm bảo công suất sản xuất tăng trưởng ít nhất 30%

(ĐTCK) Năm 2016, VIS đã xuất ra thị trường quốc tế hơn 4 vạn tấn phôi thép; doanh thu ước đạt trên 3.500 tỷ đồng, đạt 150% so với kế hoạch và lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 70 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với kế hoạch năm.

Gửi vần thơ mong “vạn sự an khang, vạn sự lành” đến mọi người, bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc CTCP Thương mại Thái Hưng kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt - Ý (*) chia sẻ, mẹ của bà chính là người đã truyền ngọn lửa đam mê và nghị lực để bà mạnh mẽ bước tiếp.

Năm 2017, điều mà bà và Thái Hưng muốn thực hiện nhất là “thổi vào VIS một làn gió mới” để lấy lại phong độ của một thương hiệu vang tiếng trên thị trường.

Những yếu tố nào để Thái Hưng quyết định đầu tư vào Thép Việt - Ý (VIS), thưa bà?

Thái Hưng vốn là nhà phân phối số 1 của Thép Việt Ý, từng đưa Thép Việt Ý ra thị trường ngay từ những lô sản phẩm đầu tiên. Chúng tôi đã cùng đồng hành, phát triển thương hiệu Thái Hưng và Thép Việt Ý cho đến khi Thép Việt Ý có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Chính vì duyên khởi đầu tiên đó, nên văn hóa của hai DN có nhiều điểm tương đồng, chúng tôi hiểu rất rõ vị thế, năng lực nội tại, về tiềm năng của Thép Việt Ý trong tương lai.

VIS đảm bảo công suất sản xuất tăng trưởng ít nhất 30% ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Vinh 

Đáng tiếc là 4 năm vừa qua (2012-2015), vì một số lý do, VIS hoạt động không hiệu quả. Chúng tôi đồng cảm và chia sẻ về những khó khăn mà VIS phải đối mặt, nhưng cũng nhận ra rằng, khó khăn của VIS là vấn đề không đáng lo ngại với Thái Hưng khi mà hoạt động kinh doanh thép phế liệu, thuê gia công cán của chúng tôi đã và luôn có hiệu quả nhiều năm liền.

Thái Hưng có khả năng khai thác tối đa năng lực sản xuất của cả Thái Hưng và VIS. Từ đây, chúng tôi đã đưa ra lời giải cho Thép Việt Ý.

Sau 4 tháng vào tiếp quản VIS, sản lượng của VIS đã tăng đột biến, các nhà máy chạy tối đa công suất. Trong tháng 12/2016, sản lượng tiêu thụ của VIS đạt hơn 37.000 tấn/tháng, con số cao nhất từ trước tới nay.

Kết quả, năm 2016, VIS đã xuất ra thị trường quốc tế hơn 4 vạn tấn phôi thép; doanh thu ước đạt trên 3.500 tỷ đồng, đạt 150% so với kế hoạch và lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 70 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với kế hoạch năm. 

Không khó để cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của VIS, nhưng định hướng bước tiếp như thế nào đang là câu hỏi rất nhiều người quan tâm, thưa bà?

Thị trường bất động sản hồi phục cùng với đà tăng trưởng của ngành thép nói chung và phân khúc sản phẩm thép xây dựng nói riêng là cơ hội tốt cho Thép Việt Ý.

Cùng với đó, với gần 900 nhân sự, VIS đang thực hiện chương trình tái cấu trúc toàn diện để củng cố sức mạnh từ chính mình. VIS sẽ đầu tư thêm, đảm bảo công suất sản xuất tăng trưởng trong thời gian tới ít nhất là 30%.

Bên cạnh đó, đảm bảo môi trường làm việc năng động, người lao động có cơ hội cống hiến sức lực, sức trẻ cũng như trí tuệ của mình cho thương hiệu, sản phẩm thép VIS.

Thép Việt Ý sẽ chuẩn bị tích cực và rốt ráo vào việc mở rộng sản xuất; nâng cao năng lực tiêu thụ cho những năm tiếp theo.

Bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng biến động giá thép và mức độ ảnh hưởng đến VIS?

Hiệp hội ngành Thép có đưa ra dự báo ngành công nghiệp thép năm 2017 của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, ước khoảng 12%, tương đương với tổng sản lượng thép các loại dự kiến trong năm 2017 ước khoảng 11,3 triệu tấn. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp, trong đó có VIS là rất lớn.

Một thông tin tích cực là, trong năm 2017, Bộ Công thương sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo đảm cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu, đồng thời theo dõi sát tác động của các biện pháp này tới sản xuất, tiêu dùng trong nước để có sự điều chỉnh kịp thời.

Theo tôi, đây là chính sách cần thết phù hợp cho sự phát triển của ngành thép trong dài hạn. Riêng với Thép Việt Ý, chúng tôi tin tưởng sẽ tự chủ trong sản xuất, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng trong các dự án trọng điểm, song giá cả lại rất cạnh tranh.

Là mảng việc nặng nhọc, lĩnh vực sắt thép dường chỉ dành cho phái mạnh. Quan điểm của bà về phụ nữ làm kinh doanh trong mảng sắt thép là như thế nào?

Là người trong cuộc, tôi hiểu những khó khăn, vất vả, những hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ làm kinh doanh trong ngành thép. Thực sự, tôi rất nể phục những người phụ nữ ấy - họ rất mạnh mẽ, quyết đoán và nhiệt huyết.

Tôi cũng được gặp gỡ và làm việc với nhiều phụ nữ có tên tuổi của làng thép như cô Gái (Xuân Hòa), chị Thủy (Simco), chị Chiên (Hải Minh), chị Mai Hương (Hiệp Hương), chị Hà (Hà Minh)…

Trong những người phụ nữ ấy, người gần nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi, luôn là tấm gương cho tôi noi theo chính là mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Cải - nguyên Tổng giám đốc của Thái Hưng).

Mẹ trong tôi luôn là một người lãnh đạo có “Tâm” và có “Tầm”. Mẹ đã truyền ngọn lửa đam mê, một nghị lực kiên cường giúp tôi đương đầu với những khó khăn và thử thách.

Tôi luôn nghĩ, dù nam giới hay nữ giới, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, nếu muốn thành công thì phải có niềm đam mê và cần nuôi dưỡng ước mơ, khao khát cháy bỏng để thực hiện ước mơ đó. Trước thềm năm mới Xuân Đinh Dậu, tôi xin gửi những câu thơ thay cho lời chúc đến tất cả mọi người: 

“Hoa đào nở mùa xuân lại đến
Phúc lộc đua nhau đến từng nhà
Vài lời cung chúc tân niên tới
Vạn sự an khang, vạn sự lành”

(*) Bà Vinh đảm nhận vị trí Chủ tịch CTCP Thép Việt Ý sau quyết định của Thái Hưng mua hơn 51% cổ phần VIS.

Tin bài liên quan