Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Thái Hưng, Chủ tịch HĐQT Thép Việt Ý và ông Trần Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch HĐQT Thép Việt Ý

Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Thái Hưng, Chủ tịch HĐQT Thép Việt Ý và ông Trần Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch HĐQT Thép Việt Ý

VIS: Bước chuyển mình mạnh mẽ

(ĐTCK) Năm 2016 đánh dấu mốc quan trọng đối với Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) khi Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng nâng tỷ lệ sở hữu tại VIS lên gần 51%. Kết quả kinh doanh khả quan cũng như kỳ vọng vào “làn gió mới” này, giá cổ phiếu VIS có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu năm.

Nâng tầm thương hiệu

Tháng 11/2016, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng đã chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại VIS lên 50,98%, tương ứng hơn 25,09 triệu cổ phiếu. Đặt niềm tin khi quyết định tăng đầu tư vào Thép Việt Ý, bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng giám đốc Thái Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIS cho biết, sản phẩm Thép Việt Ý vốn đã hội tụ nhiều điểm mạnh, khi điều kiện thị trường thuận lợi là vươn lên bứt phá mạnh mẽ. 

Cụ thể, sau một thời gian trầm lắng, giá thép bắt đầu tăng trở lại từ đầu năm 2016, nhờ sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Quyết định số 862/QĐ-BCT ngày 7/3/2016 của Bộ Công thương về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu góp phần giúp thép xây dựng ở thị trường trong nước tăng giá. Theo đó, năm 2016, VIS ước đạt trên 3.500 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 150% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 70 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch.

Một trong những thế mạnh của Thép Việt Ý là có mạng lưới phân phối rất rộng tại khu vực phía Bắc. Đặc biệt, việc đưa vào vận hành Nhà máy Thép Việt Ý, công suất 250.000 tấn/năm và Nhà máy Phôi Thép Việt Ý, công suất 400.000 tấn/năm đã giúp VIS nâng tầm thương hiệu cũng như phát triển mạng lưới phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo lãnh đạo VIS, sau khi Thái Hưng tham gia Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị cùng Ban tổng giám đốc và gần 900 cán bộ, công nhân viên VIS đã xây dựng một chương trình tái cấu trúc toàn diện Thép Việt Ý trên nhiều góc độ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, Công ty sẽ có những thay đổi tích cực dựa trên sự kế thừa và phát huy những truyền thống mà Thép Việt Ý đã gây dựng trong suốt những năm qua. Đặc biệt, tập trung phát triển hệ thống dây chuyền thiết bị, xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng, cũng như đầu tư thêm, đảm bảo công suất của Thép Việt Ý tăng ít nhất là 30% trong thời gian tới.

Cổ phiếu thu hút nhà đầu tư

Song song với hoạt động khả quan của doanh nghiệp là xu hướng tăng giá cổ phiếu VIS trên sàn chứng khoán. Từ tháng 4/2016 đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng từ 8.000 đồng/CP lên 18.000 đồng/CP.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) cho rằng, VIS có những lợi thế nhất định, bên cạnh việc hưởng lợi từ giá thép tăng, từ mạng lưới phân phối rộng lớn, điều mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng là cổ đông lớn Thái Hưng sẽ giúp VIS sớm lấy lại “phong độ”.

VIS từng có thời kỳ hoàng kim với lợi nhuận “khủng” 225,4 tỷ đồng năm 2009, giá cổ phiếu đạt 144.000 đồng/CP. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh những năm sau đó của VIS sụt giảm, thậm chí thua lỗ khi sáp nhập Công ty cổ phần Luyện thép Sông Đà, cùng với việc trích lập dự phòng một số khoản mục. Tình trạng khó khăn của Thép Việt Ý khiến giá cổ phiếu có lúc rơi xuống dưới 6.000 đồng/CP.

Bước chuyển mình của VIS diễn ra từ cuối năm 2015 khi thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục, ngành thép nói chung và phân khúc sản phẩm thép xây dựng nói riêng tăng trưởng. 6 tháng đầu năm 2016, VIS lãi hơn 22 tỷ đồng so với mức thua lỗ 36 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2015. Quý III/2016, VIS lãi thêm 11,5 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận còn khiêm tốn, nhưng triển vọng của doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu VIS duy trì xu hướng tăng, vượt cả đà tăng giá của cổ phiếu các doanh nghiệp đầu ngành như HSG, HPG…, trở thành một trong những cổ phiếu có mức tăng giá ấn tượng nhất năm 2016.

Thống kê của MSI cho thấy, khi thị trường bước vào chu kỳ tăng giá thì các cổ phiếu vốn hóa trung bình thường có mức tăng giá tốt hơn. So sánh giữa 3 nhóm cổ phiếu: giá trị, tăng trưởng, chu kỳ, thì nhóm cổ phiếu chu kỳ có hiệu quả sinh lời vượt trội trong 1 giai đoạn nhất định, từ 1 - 3 năm. Trong khi đó, VIS là cổ phiếu có vốn hóa trung bình và thuộc nhóm cổ phiếu chu kỳ, kết quả kinh doanh đang trên đà khởi sắc.

Theo ông Khánh, trong lĩnh vực thép, ngoài những “ông lớn” như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen thì Thép Việt Ý là doanh nghiệp có thương hiệu trong lĩnh vực thép xây dựng. VIS hiện đứng trong Top 5 thị trường thép xây dựng Việt Nam, chiếm khoảng 2,74% thị phần.

Một điểm khác khiến cổ phiếu VIS hấp dẫn nhà đầu tư đó là đặc tính nội tại của cổ phiếu này - một cổ phiếu cơ bản “lai” đầu cơ, khi có hệ số beta khá cao và được mệnh danh là cổ phiếu “đầu cơ truyền thống”, luôn thu hút dòng tiền ở mỗi giai đoạn thị trường tăng điểm.

Định giá dựa theo phương pháp chiết khấu dòng tiền cùng với so sánh P/E trong ngành, kết hợp với phân tích kỹ thuật, MSI đưa ra dự báo, giá cổ phiếu VIS có thể đạt 35.000 đồng/cổ phiếu trong nửa đầu năm 2017.      

Tin bài liên quan