Vĩnh Phúc tìm cách nâng cao các chỉ số thành phần PCI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn là giải pháp để Vĩnh Phúc tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Vĩnh Phúc đang nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần PCI.

Vĩnh Phúc đang nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần PCI.

Thứ hạng cần cải thiện

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả PCI năm 2020 của Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành với 63,84 điểm, giảm 2,91 điểm và giảm 12 bậc so với năm 2019, không đạt được mục tiêu đề ra (mục tiêu nằm trong top 10 cả nước); thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá.

Trong tổng số 10 chỉ số thành phần, Vĩnh Phúc có 5/10 chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng, chỉ có 3/10 chỉ số tăng điểm và tăng thứ hạng.

Đáng nói, 9/10 chỉ số không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó chỉ số Tiếp cận đất đai có thứ hạng thấp và chưa được cải thiện trong nhiều năm liền (xếp thứ 61/63), chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 59/63, chỉ số Cạnh tranh bình đẳng và chỉ số Thiết chế pháp lý và ANTT xếp thứ 42/63, chỉ số Chi phí không chính thức xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố.

Trong các chỉ số trên, có một số chỉ số có trọng số lớn, như Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (chiếm 20%), Chi phí không chính thức (chiếm 10%) song lại có vị trí xếp hạng thấp, khiến điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh đạt kết quả thấp trong năm 2020.

Ngoài ra, các chỉ số khác mặc dù đã có sự cải thiện về điểm số hoặc thứ hạng nhưng vẫn không đạt mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Cải cách hành chính là nội dung quan trọng được Vĩnh Phúc hướng tới. Ảnh: Internet.

Cải cách hành chính là nội dung quan trọng được Vĩnh Phúc hướng tới. Ảnh: Internet.

Nhận thức rõ bối cảnh thực tế đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, trong đó có một số quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác lớn về thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại của tỉnh.

Tập trung triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Chỉ thị số 11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, trong năm 2021, Vĩnh Phúc vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, từng bước đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó, chú trọng phát huy và triển khai hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và các địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với một số thủ tục hành chính.

Nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính coi đây là một trong những giải pháp chủ đạo để tạo sự minh bạch, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức.

Phấn đấu nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước giai đoạn 2021 - 2025.

Tin bài liên quan