Hỗ trợ tối đa…
Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc cho thấy, sau 2 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.560 đơn vị, với gần 175.000 lao động, kinh phí gần 61 tỷ đồng; Hỗ trợ 01 doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 19,3 tỷ đồng; 328 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền gần 1,6 tỷ đồng; 569 lao động ngừng việc với số tiền 690 triệu đồng.
Vĩnh Phúc đang ráo riết triển khai thực hiện Nghị định 68 nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp. Ảnh: Internet. |
Cùng với đó là việc hỗ trợ cho trên 4.000 trẻ em, người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế gần 7 tỷ đồng; hỗ trợ 8 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục vay vốn trên 2,2 tỷ đồng phục hồi sản xuất hay trả lương cho lao động ngừng việc. Riêng đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động, các huyện, thành phố đã thực hiện chi trả cho 1.532 lao động, với số tiền gần 2,3 tỷ đồng.
Với cộng đồng doanh nghiệp, một vấn đề luôn rất được quan tâm đó là đảm bảo sức khỏe tài chính, dòng tiền. Đồng hành cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến nay, các tổ chức tín dụng ở Vĩnh Phúc đã thực hiện miễn, giảm lãi vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi đối với 12.593 khách hàng, với dư nợ đạt 15.454 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với khoản vay cũ là 12.172 khách hàng; miễn, giảm lãi vay cho 242 khách hàng, với dư nợ được miễn, giảm lãi vay là 420 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 179 khách hàng, dư nợ đạt 552 tỷ đồng.
Trên thực tế, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Nhiều lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương nhưng doanh nghiệp không phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước dẫn đến việc thiết lập hồ sơ khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không có quyết định hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền về việc tạm dừng hoạt động cụ thể cho từng người sử dụng lao động hoặc ngành nghề, khu vực để làm căn cứ cho vay theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hồ sơ, thủ tục hỗ trợ theo Nghị quyết số 68.
Đặc biệt là hiện nay chưa quy định cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong việc thực hiện xác nhận đối với trường hợp trên nên người sử dụng lao động gặp khó khăn khi làm hồ sơ vay vốn và Ngân hàng chính sách xã hội không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện cho vay. Hay như đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, để phục hồi sản xuất, kinh doanh khi vay vốn phải có thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 tại thời điểm vay vốn, tuy nhiên theo hồ sơ tiếp nhận của Công ty TNHH Một thành viên vận tải ô tô Vĩnh Phúc gửi ngân hàng chính sách xã hội thì cơ quan thuế chỉ cung cấp thông báo xác nhận số tiền thuế, tiền phạt đã nộp ngân sách nhà nước mà không phải là thông báo đã hoàn thành quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Do vậy hồ sơ vay vốn của công ty không bảo đảm theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nên rất khó khăn trong giải quyết hồ sơ.
Trên tinh thần đồng hành
Để tháo gỡ các khó khăn này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh. Khẩn trương xét duyệt hồ sơ đề nghị hưởng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp lao động, người sử dụng lao động nắm rõ chính sách hỗ trợ; kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho người lao động, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hồ sơ, bảo đảm việc hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, đúng thời gian quy định.
Nhiều doanh nghiệp được hồ trợ về chính sách tín dụng, giúp ổn định sản xuất. Ảnh: Internet. |
Về nguồn vốn, được biết trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid–19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên món nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng theo đúng quy định của Nhà nước. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Với cộng đồng doanh nghiệp, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành văn bản gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề trong trường hợp phải thay đổi cơ cấu, công nghệ do dịch Covid-19.
Tỉnh thực hiện hỗ trợ người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 11 đơn vị (164 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và 53 người lao động mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi), với kinh phí đã được hỗ trợ hơn 680 triệu đồng. Tỉnh hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế 3.838 đối tượng được hỗ trợ với kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, các địa phương và đơn vị trong tỉnh đang thẩm định 13 doanh nghiệp, cơ sở giáo dục mầm non với 100 người lao động đã được xác nhận để chuyển hồ sơ về UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt.
Vĩnh Phúc cũng ban hành văn bản gửi các doanh nghiệp yêu cầu báo số lao động không đủ điều kiện để được công nhận là thất nghiệp; ban hành văn bản gửi UBND các huyện và ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phối hợp cung cấp lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục công lập và tư thục để yêu cầu UBND cấp huyện rà soát trực tiếp, hướng dẫn đơn vị làm thủ tục hỗ trợ.