Tính đến hết tháng 6/2022, Vĩnh Phúc có 437 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư 7,3 tỷ USD. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về tỷ suất đầu tư với 58 dự án và tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như: Sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, cơ khí, chế biến, chế tạo...
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Japan Desk phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản; Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản.
Các thủ tục đầu tư đều được giải quyết trước hạn so với quy định. Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã hỗ trợ thu hút 2 nhà đầu tư mới, trong đó có 1 nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan đã phối hợp với Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc tiếp nhận nhiều lượt thông tin, kiểm tra xác nhận dự án đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư vào khu công nghiệp; hỗ trợ về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ và các báo cáo cần được giải trình đối với từng dự án cụ thể; hỗ trợ hoàn thiện bản dự thảo hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đại diện Công ty TNHH khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: Thông qua Japan Desk, rất nhiều thủ tục hành chính, quy trình đầu tư đã được hỗ trợ kịp thời. Tính đến hết tháng 6/2022, khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút được 34 dự án, gồm 7 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 1.140 tỷ đồng và 27 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 810 triệu USD; đã có 21 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 82%.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các thành viên Japan Desk đã tích cực hỗ trợ giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến công tác phòng chống dịch; thành lập nhóm hỗ trợ đặc biệt cho Công ty ô tô Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; đề nghị cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét và ban hành quy định mới cho phép bệnh nhân F1 có thể quay trở lại làm việc sau 7 ngày cách ly tại nhà để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ dự án về đầu tư cải tạo trang trại, chuyển đổi vật nuôi từ lợn sang bò thịt, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản và phân phối tại Tam Đảo do Tập đoàn Sojitz Nhật Bản và Vinamilk làm chủ đầu tư.
Đồng thời, hỗ trợ các đối tác của Tập đoàn Sojitz Nhật Bản và Tập đoàn Vinamilk nghiên cứu và thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai ký kết Bản ghi nhớ giữa tỉnh Tochigi Nhật Bản và tỉnh Vĩnh Phúc nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội.
Nhờ hoạt động tích cực của Japan Desk và những định hướng tầm chiến lược của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư xúc tiến hợp tác kinh doanh hoạt động hợp tác đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Nhật Bản tiếp tục có những bước tiến lớn.
Trong đó đáng kể nhất là dự án nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc có tổng vốn đăng ký 58 triệu USD chuyên sản xuất gia công các sản phẩm dùng cho việc bao gói hàng hóa với chất lượng cao công suất khoảng hơn 75 nghìn tấn/năm.
Mới đây dưới sự tham mưu của Trung tâm nghiên cứu xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp và trực tiếp là Japan Desk tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tổ chức thành công hội nghị “Vĩnh Phúc kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản” với quy mô lớn.
Hội nghị đã kết nối cho 23 doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác giao lưu kinh tế. Qua các hoạt động chính thức và bên lề mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các đối tác Nhật Bản vốn đã rất chặt chẽ sâu rộng đã có thêm bước phát triển mới cao hơn toàn diện hơn về nhiều mặt.