Vĩnh Phúc đang thu hút tốt nhiều dự án FDI. Ảnh: Internet.

Vĩnh Phúc đang thu hút tốt nhiều dự án FDI. Ảnh: Internet.

Vĩnh Phúc: Khối FDI triển khai dự án đúng tiến độ hơn khối trong nước

(ĐTCK) Thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, đến hết tháng 8/2024, Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 3.142,96 ha.

Trong đó, 12 khu đã được giao đất với diện tích 1.901,98 ha (4 khu đã giao đủ đất theo quy hoạch, các khu còn lại đã giao đất cho chủ đầu tư triển khai hạ tầng nhưng còn một phần chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong).

Đến tháng 8/2024, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp là 44,62%, nhưng tính theo diện tích đất được giao là 70,62%, do nhiều khu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chưa được giao đất triển khai, dẫn đến việc chưa có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê.

Hết tháng 8/2024, các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc thu hút được 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 117 dự án vốn trong nước (DDI), tổng vốn đầu tư 37.784,64 tỷ đồng và 376 dự án FDI (đầu tư nước ngoài), tổng vốn đầu tư 6.742 triệu USD. Có 413/493 dự án đang hoạt động (334 dự án DDI, 79 dự án FDI), chiếm 83,8% tổng dự án đầu tư.

Đáng lưu ý, trong 367 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Hàn Quốc đứng đầu với 183 dự án, vốn đầu tư 1,9 tỷ USD, tiếp theo là các quốc gia như Nhật Bản: 48 dự án, vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD, Đài Loan (44 dự án, vốn đầu tư 1,13 tỷ USD), Trung Quốc (42 dự án, vốn đầu tư: 387 triệu USD), Thái Lan (10 dự án, vốn đầu tư gần 750 triệu USD),…

Doanh nghiệp FDI sản xuất tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Nguồn: TTXVN)

Doanh nghiệp FDI sản xuất tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Nguồn: TTXVN)

Các dự án FDI đầu tư vào khu công nghiệp cơ bản có công nghệ trung bình, một số dự án có công nghệ cao thuộc lĩnh vực linh kiện điện tử, nhưng còn hạn chế. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất linh kiện điện tử (185 dự án, chiếm 50,4% số dự án FDI), theo sau là các nhóm nghề công nghiệp khác (115 dự án, chiếm 31% số dự án FDI), thứ ba là nhóm ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy (47 dự án, chiếm 12,8% số dự án FDI), còn lại là dệt may (12 dự án), vật liệu xây dựng (8 dự án).

Vốn giải ngân của dự án trung bình đạt 60 - 65%/tổng vốn đầu tư. Đến nay, vốn giải ngân các dự án FDI đạt 4,16 tỷ USD, đạt 62% tổng vốn đăng ký. Đáng lưu ý, về tiến độ thực hiện, các dự án FDI cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, trong khi các dự án DDI thường chậm hơn kế hoạch do các khó khăn về thu xếp vốn, hoặc dự án tập trung nhiều nhóm ngành xây dựng/cho thuê nhà xưởng dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động của thị trường và biến động kinh tế..

Tin bài liên quan