Vĩnh Phúc đón sóng đầu tư công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
Với nỗ lực đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp, Vĩnh Phúc kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số và đột phá trong thu hút đầu tư vào công nghệ cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký biên bản hợp tác ghi nhớ với Tập đoàn Kinderworld tại sự kiện

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký biên bản hợp tác ghi nhớ với Tập đoàn Kinderworld tại sự kiện

Hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong thu hút vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Với vị trí địa lý thuận lợi, gần Thủ đô Hà Nội và cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ chất lượng cao là những lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nhất. Đặc biệt, các khu công nghiệp lớn như Bình Xuyên, Bá Thiện 1, Bá Thiện 2 và Khai Quang đã đóng góp không nhỏ vào việc tạo việc làm cho 140.000 lao động địa phương, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tính đến hết tháng 11/2024, Vĩnh Phúc thu hút 590 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt gần 50% kế hoạch đề ra và 5.151 tỷ đồng vốn đầu tư cấp trong nước (DDI). Lũy kế đến hết ngày 15/11/2024, trên địa bàn tỉnh có 1.326 dự án, trong đó 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8.4 tỷ USD; 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư khoảng 145.151 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các tập đoàn đa quốc gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số dự án đến từ châu Âu và Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, những dự án đầu tư trong năm 2024 đều là các dự án công nghệ, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như Dự án Sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH BH Flex tại Khu công nghiệp Khai Quang, tăng tổng vốn đầu tư lên 75 triệu USD; Dự án Sản xuất chip bán dẫn của Công ty cổ phần Signetics, đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh…

Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc nhiều năm liên tiếp luôn thuộc top đầu cả nước. Trong năm 2024, lãnh đạo tỉnh đã tham gia tiếp và làm việc với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp, như Tập đoàn Young Poong; Quỹ đầu tư META và Công ty Grandway Singapore..., đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư và triển khai dự án tại khu công nghiệp của tỉnh; tham gia đoàn tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc)...

Nhiều nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng về ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước, như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc, T&T SuperPort, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Sumitomo, Amanta…, đã tìm hiểu môi trường đầu tư vào các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc và có các đề xuất hợp tác về năng lượng, cam kết Net Zero, đầu tư xanh.

Gần đây, Công ty cổ phần Signetics đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNCTech về việc triển khai Dự án Nhà máy bán dẫn tại tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án này dự kiến có quy mô diện tích trên 50.000 m2 tại Khu công nghiệp Bá Thiện - Phân khu I (tại huyện Bình Xuyên) và tổng mức đầu tư lên tới hơn 100 triệu USD.

Ngoài ra, ngày 11/9/2024, dự án của Công ty TNHH Polaris Việt Nam có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD đã khánh thành. Mục tiêu của dự án là tập trung sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe có động cơ khác, với công suất dự kiến khoảng 30.000 sản phẩm/năm…

Có được kết quả trên, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư đã được quan tâm và dần đi vào thực chất, thu hút đầu tư đạt kết quả cao, đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh, công tác xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi được đổi mới theo hướng tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ và có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư được đẩy mạnh theo hướng thiết thực và hiệu quả”.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cùng các sở, ban, ngành trong tỉnh đã chủ động tiếp cận và xây dựng báo cáo cụ thể về các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, như Tập đoàn Compal, Dell, YCH Group..., với các dự án phù hợp quy hoạch, tính chất ngành nghề, lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút.

Các chương trình xúc tiến đầu tư không chỉ tập trung vào thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, mà chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng ở châu Âu, Mỹ, Australia, hay xu hướng đón đầu sự dịch chuyển của nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan thuộc các chuỗi cung ứng, các nước đối tác là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp

Công nghiệp là ngành mũi nhọn

Đến hết năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc có thêm trên 30 dự án FDI hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 211 triệu USD. Trong đó, đa phần các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử, một ngành có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp công nghệ cao.

“Vĩnh Phúc xác định, công nghiệp, trong đó có điện tử và công nghiệp bán dẫn, là mũi nhọn để tỉnh tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tới”, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ về định hướng phát triển và thu hút đầu tư của địa phương.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, các yêu cầu về môi trường, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất đang tiếp tục được cải thiện để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của các nhà đầu tư thông qua việc phát triển các khu công nghiệp.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 3 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng, gồm Khu công nghiệp Sơn Lôi (97,73 ha), vốn đầu tư đã thực hiện là 607,75 tỷ đồng; Khu công nghiệp Tam Dương I- khu vực 2 (81,24 ha), vốn đầu tư thực hiện khoảng 500 tỷ đồng; Khu công nghiệp Sông Lô II (152,76 ha), vốn đầu tư thực hiện khoảng 561,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, 5 khu công nghiệp chưa được giao đất, chưa triển khai xây dựng (gồm Bình Xuyên II-giai đoạn II, Nam Bình Xuyên, Phúc Yên, Sông Lô I, Đồng Sóc) và 12 khu công nghiệp chưa được thành lập.

Thời gian tới, các khu công nghiệp trong tỉnh sẽ nhanh chóng được hoàn thiện, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp đã được thành lập; tập trung nguồn lực vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm giao đủ đất cho các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp đã được thành lập.

Vĩnh Phúc sẽ đầu tư phát triển thêm một số khu công nghiệp có lợi thế, có tính khả thi, phát triển mới khu công nghiệp theo lộ trình cụ thể, không phát triển ồ ạt. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 4 đến 8 khu công nghiệp mới (Lập Thạch I, Lập Thạch II, Tam Dương II - Khu B, Chấn Hưng, Bình Xuyên - Yên Lạc I, Bình Xuyên - Yên Lạc II và một số khu công nghiệp có tiềm năng khác). Phấn đấu đến năm 2030, Vĩnh Phúc có 28 khu công nghiệp với diện tích là 4.815 ha.

Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển thành công các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước; thực hiện đầu tư phát triển các khu công nghiệp đảm bảo chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; phát triển các khu công nghiệp mới gắn chặt với yêu cầu bảo vệ môi trường, hạ tầng xã hội (bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, chương trình phúc lợi phục vụ người lao động), hạ tầng đến hàng rào khu công nghiệp (giao thông, điện, nước, viễn thông…). Các khu công nghiệp phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xử lý nước thải mới được phép đi vào hoạt động.

Vĩnh Phúc thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư trên cơ sở định vị tầm nhìn, phương hướng, cách thức xây dựng hệ thống giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời chuyển dịch dần mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng đến chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp hướng tới hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Các nhà đầu tư có dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao, bao gồm công nghiệp máy tính, điện thoại và điện tử; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp ô tô, xe máy điện và công nghiệp dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, sẽ được ưu tiên thu hút bên cạnh các dự án của các tập đoàn đa quốc gia đầu chuỗi và nhà cung ứng then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia.

Tin bài liên quan