Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu huy động vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 83.000 tỷ đồng

Tỉnh Vĩnh Long phấn đấu huy động vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 83.000 tỷ đồng

Vĩnh Long phấn đấu huy động 83.000 tỷ đồng vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025

0:00 / 0:00
0:00
Giai đoạn 2021- 2025, Vĩnh Long sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, giai đoạn 2021- 2025, Vĩnh Long sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “nông nghiệp; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ”.

Trong 5 năm qua (2016-2020), tỉnh Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong phát triển kinh tế, thưa ông?

Trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “nông nghiệp; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ”.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

Kinh tế tiếp tục phát triển và tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước; ước tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 4,6%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 54,3 triệu đồng, tăng 16,5 triệu đồng so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhưng đúng hướng, ước năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35,9% GRDP; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 19,6% và dịch vụ chiếm 44,5%.

Sản xuất nông nghiệp, thủy sản chuyển biến tích cực, thích ứng dần với biến đổi khí hậu. Công nghiệp, thương mại, xuất khẩu, dịch vụ phát triển khá. Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn được duy trì trong nhóm tốt của cả nước. Thu hút được nhiều dự án có quy mô ngày càng lớn.

Vĩnh Long đã ban hành “Chương trình thu hút vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020”, đến nay kết quả đạt được ra sao?

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tích cực huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tổng nguồn vốn huy động ngày càng tăng, cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư các ngành, lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế, chủ yếu tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, khẩn cấp như các tuyến đường tỉnh, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục, các xã điểm nông thôn mới... đã huy động khoảng 65.614 tỷ đồng.

Trong 5 năm (2016 - 2020), tỉnh đã phát triển được 1.683 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 12.959 tỷ đồng, 576 chi nhánh và văn phòng đại diện, 1.160 địa điểm kinh doanh. Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và chủ trương đầu tư cho 119 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 23.298 tỷ đồng; trong đó, có 44 dự án FDI, với tổng mức vốn đăng ký 611,68 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn có 243 dự án còn hiệu lực đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 24.201 tỷ đồng và 661,68 triệu USD.

Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, các chính sách hỗ trợ và xúc tiến đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để tạo môi trường pháp lý ổn định cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư...Nhờ đó, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh luôn nằm trong nhóm tốt và rất tốt của cả nước, qua đó góp phần nâng cao vị thế của tỉnh và thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các dự án mới hoạt động ổn định và tiếp tục đầu tư mở rộng dự án hiện có.

Ông có thể cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Long đề ra phương hướng và mục tiêu phát triển kinh tế như thế nào?

Trên cơ sở dự báo tình hình, tỉnh đề ra phương hướng và mục tiêu chung là: tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “nông nghiệp; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ”.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành công thương, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn, xâm nhập mặn; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối tốt với Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát huy tối đa lợi thế trong hợp tác, liên kết, kết nối với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; chủ động, phù hợp với đặc thù biến đổi khí hậu của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn sát với nhu cầu thị trường.

Tỉnh xác định động lực phát triển giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm, đó là: Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao. Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng. Nâng cấp, cải tạo hệ thống các tuyến đường quan trọng nội tỉnh và hệ thống giao thông đối ngoại nhằm tăng cường kết nối với các thành phố lớn. Xây dựng TP. Vĩnh Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển. Phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cơ quan quản lý công và khu vực doanh nghiệp.

Nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu đó, chính quyền tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đề ra giải pháp gì trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân - vốn được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế, thưa ông?

Một trong 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là: Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.

Để thực hiện khâu đột phá này, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh để tăng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư; chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút các dự án lớn, dự án có tác động đột phá, lan tỏa, các dự án phát triển công nghiệp trên nền tảng nông nghiệp, các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch gắn với nông nghiệp. Rà soát, tháo gỡ khó khăn; đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án kinh doanh có hiệu quả mở rộng quy mô. Phấn đấu huy động vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 83.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Tập trung cải thiện điểm số và thứ hạng Chỉ số Năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Thực hiện tốt các quy định về điều kiện kinh doanh; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, ít rủi ro để thu hút đầu tư tư nhân; bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Hỗ trợ các thành phần kinh tế đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động... để từng bước tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển bền vững. Phấn đấu hàng năm có thêm 400 doanh nghiệp thành lập mới, trong nhiệm kỳ có 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Tôi tin tưởng rằng, những thành công trong thu hút đầu tư các Dự án cuối giai đoạn 2016-2020, sự hình thành các khu, cụm công nghiệp mới, việc triển khai Dự án nâng cấp đô thị thành phố Vĩnh Long, việc đẩy mạnh tham gia các hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, hình thành năng lực tăng thêm mới, góp phần phá vỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Ông Lữ Quang Ngời

Tin bài liên quan