Ngay đầu phiên giao dịch sáng 3/4, nhiều cổ phiếu và nhóm ngành đang phản ứng thông tin tiêu cực về thuế quan, một số nhóm xuất khẩu có dấu hiệu giảm mạnh. Trong đó, các cổ phiếu nhóm thuỷ sản, dệt may, săm lốp, cao su thiên nhiên… có khả năng chịu tác động tiêu cực từ mức thuế quan đã đua nhau nằm sàn.
Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc phòng Phân tích Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, mức thuế đối ứng mà Chính phủ Mỹ đang đưa ra với các quốc gia đang được hiểu là một mức thuế có thể thay đổi dựa trên tinh thần đàm phán, trước khi có hiệu lực vào ngày 9/4/2025. Tuy nhiên, với mức thuế sơ bộ áp cho Việt Nam, ACBS nhận thấy các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu việc đàm phán không có kết quả.
![]() |
Nhiều cổ phiếu giảm mạnh trong phiên ngày 3/4/2025 |
Đầu tiên, đối với ngành dệt may, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ vào khoảng 36 tỷ USD (chiếm 22,4% tổng xuất khẩu sang Mỹ), ngành dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Mức thuế đối ứng 46% sẽ khiến chi phí xuất khẩu tăng mạnh, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam so với các nước khác trong khu vực, như Bangladesh (47%) và Ấn Độ (26%).
“Nếu không có giải pháp phù hợp kịp thời thì ngành dệt may có thể mất đơn hàng lớn và giảm thị phần tại Mỹ, và suy giảm đầu tư FDI vào ngành dệt may”, bà Trang nhấn mạnh thêm.
Thứ hai, đối với ngành thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ vào khoảng 1,8 tỷ USD (chiếm 1,5% tổng xuất khẩu sang Mỹ), sẽ phải đối mặt với việc tăng chi phí do thuế cao. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nước đối thủ có thị phần xuất khẩu thủy sản vào Mỹ lớn nhất bao gồm Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia & Ecuador thì ngoại trừ Trung Quốc, các nước còn lại đang có mức thuế đối ứng đề xuất thấp hơn nhiều so với Việt Nam (Ấn độ: 26%, Indonesia: 32% và Ecuador: 10%).
“Các công ty thủy sản sẽ phải cân nhắc lại chiến lược xuất khẩu, có thể chuyển hướng sang các thị trường khác hoặc đối mặt với nguy cơ giảm đơn hàng và lợi nhuận, nhất là các công ty có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC – sàn HOSE), tỷ lệ doanh thu xuất khẩu vào Mỹ từ 40 - 50% tổng doanh thu; và CTCP Nam Việt (mã ANV – sàn HOSE), tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ chiếm 40% tổng doanh thu xuất khẩu; và CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC – sàn HOSE), doanh thu xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu xuất khẩu.
Thứ ba, đối với ngành cao su và săm lốp, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên Việt Nam sẽ gây áp lực lớn lên ngành cao su và săm lốp vì thị trường Mỹ vốn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu xuất khẩu của ngành này. Trong đó, một số công ty có thể chịu ảnh hưởng là CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) và CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã CSM).
“Việc Mỹ áp thuế đối ứng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành cao su và săm lốp Việt Nam. Tại Cao su Đà Nẵng, với 30% doanh thu từ Mỹ, Công ty sẽ đối mặt với nguy cơ mất thị phần tại thị trường này, khi các đối thủ như Thái Lan và Hàn Quốc được hưởng mức thuế đối ứng thấp hơn, là 36% và 24%. Mặc dù Casumina không bị ảnh hưởng mạnh như Cao su Đà Nẵng, nhưng cũng sẽ gặp khó khăn khi thị trường Mỹ trở nên cạnh tranh hơn. Tổng thể, việc áp thuế sẽ khiến các công ty cao su và săm lốp Việt Nam khó duy trì và mở rộng thị phần tại Mỹ”, bà Trang nhận định thêm.
Cũng liên quan phản ứng tiêu cực tới thị trường khi Mỹ công bố mức thuế mới, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI cho biết, phía Mỹ đã đưa ra báo cáo ước tính thương mại và có 8 trang về Việt Nam. Hầu hết các vấn đề nêu ra trong đó Việt Nam đã xử lý, như mở hơn với sản phẩm nông nghiệp, vấn đề sở hữu trí tuệ - Bộ Công thương đã làm việc với hàng loạt mặt hàng mà phía Mỹ lo ngại, Nghị định quản lý thương mại chiến lược… Chính quyền Trump cũng nhận xét Việt Nam là quốc gia đang xử lý những lo ngại từ phía Mỹ một cách hiệu quả nhất.
“Điều chúng ta cần theo dõi là chuyến công tác của Phó Thủ tướng sang Mỹ trong thời gian tới để xem phản ứng từ Mỹ ra sao? Diễn biến trong một tuần tới liên quan đến đàm phán. Nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn với con số 46%, hay sau này là 36%, 26%. Tôi cho rằng nó chỉ là con số bởi thực tế nằm trên bàn đàm phán", ông Hưng chia sẻ thêm.