Vinh danh những nỗ lực dài hạn

Vinh danh những nỗ lực dài hạn

(ĐTCK) Chia sẻ trên Ðặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp niêm yết 2018 do Báo Ðầu tư vừa xuất bản, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng cho biết, trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, khi các doanh nghiệp niêm yết làm tốt nhiệm vụ kinh doanh và kinh doanh minh bạch, không có lý do gì TTCK Việt Nam không trở lại xu hướng tích cực.

Theo Chủ tịch UBCK, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng cao và bền vững. Mức tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến cao hơn năm 2017 và dao động từ 6,7 - 7%/năm cho đến năm 2020. Các chỉ tiêu cơ bản như lạm phát, lãi suất, tỷ giá đều được đánh giá là trong tầm kiểm soát.

Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách để khởi động tiềm năng của Việt Nam và cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho các nguồn lực tìm nơi sinh lời hiệu quả. Ðây chính là những yếu tố nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 4 lần, vốn hóa năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại khoảng 80% GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân là 43%/năm.

Sự phát triển của TTCK là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất là sự tăng trưởng ở mức cao của GDP cũng như sự ổn định của các chỉ tiêu vĩ mô trong một khoảng thời gian khá dài, cùng với nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư.

Vẫn theo Chủ tịch UBCK, khả năng ứng phó trước những tác động khách quan, những diễn biến lớn của thị trường thế giới còn hạn chế, nhưng đã được cải thiện nhiều theo thời gian và các nhà hoạch định chính sách luôn nỗ lực cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Cũng đánh giá về thị trường, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, ông Dominic Scriven chia sẻ một góc nhìn khác. Theo ông Dominic, giới nhà đầu tư nước ngoài nhìn thị trường Việt Nam về lịch sử, cơ cấu, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thì ai cũng cho rằng, Việt Nam là thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, MSCI đã đưa ra 9 yếu tố hạn chế để TTCK Việt Nam chưa được nâng hạng lên mức mới nổi từ mức xếp hạng cận biên hiện nay. Ông Dominic cho rằng, lý do chủ đạo là sự phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài mà điển hình là áp dụng quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư, gọi là room.

Cùng với đó, theo ông Dominic, các công ty niêm yết cần cải thiện về nhiều mặt như công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị, phát triển bền vững, thân thiện môi trường… mới có thể tiến tới ngày thị trường được nâng hạng. Nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng, sẽ có khoảng 5 - 7 tỷ USD đổ vào thị trường theo quỹ đầu tư chỉ số một cách tự nhiên.

Vậy làm thế nào để sớm đến ngày TTCK Việt Nam được nâng hạng? Bên cạnh nỗ lực làm luật, tạo khung pháp lý thông thoáng và phù hợp cho thị trường vận hành của nhà quản lý, thì trong lòng thị trường, có những nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp tự nâng hạng chính mình, tiến tới việc hòa vào dòng chảy của thị trường vốn khu vực và quốc tế.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 tiếp nối hành trình 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất là một nỗ lực như thế. Các doanh nghiệp xứng đáng sẽ được vinh danh tại Lễ trao giải chiều 2/11 hôm nay.

Hàng trăm tiêu chí chấm điểm và bình chọn đã được sử dụng để chọn ra các doanh nghiệp đáng tôn vinh trên TTCK. Nhưng Cuộc bình chọn không chỉ để chọn ra doanh nghiệp đáng tôn vinh, mà còn mong muốn giúp các doanh nghiệp nhận ra những điểm yếu, khoảng hở của chính mình thông qua việc soi mình vào bộ câu hỏi và tự chấm điểm.

Hy vọng, Cuộc bình chọn sẽ mang đến một giá trị mới, một cách đánh giá mới để các doanh nghiệp niêm yết vững tin trong nỗ lực dài hạn, nâng hạng chính mình.

Tin bài liên quan