Hai cảng biển có quy mô và sản lượng lớn nhất Việt Nam đang rơi vào tầm ngắm của Tập đoàn Vingroup
Điểm đáng chú ý trong đề nghị trên là nhà đầu tư đa lĩnh vực lớn vào loại bậc nhất Việt Nam này đặt vấn đề mua 80% cổ phần với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân trung bình đối với cảng Hải Phòng. Tại Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Vingroup cũng đề nghị được mua 80% cổ phần trước cổ phần hóa với mức giá không thấp hơn giá IPO và được tham gia quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa.
Được biết, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng được cổ phần hóa vào năm 2014 có vốn điều lệ 3.269,6 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 94,68% vốn điều lệ. Năm 2014, tổng sản lượng xếp dỡ hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng đạt 19,75 triệu tấn, đạt tổng doanh thu 1.577 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 397 tỷ đồng.
Trong khi đó, Cảng Sài Gòn có giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2014 để cổ phần hóa là 3.995 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 2.162,9 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải, Cảng Sài Gòn sẽ phải hoàn thành công tác cổ phần hóa trong quý I/2015 với tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ khoảng 75% vốn điều lệ.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải, bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Vingroup cho biết, nếu được chấp thuận, Tập đoàn sẽ áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trong quản lý và vận hành hai cảng biển lớn nhất nước này nhằm nâng cao công suất bốc dỡ, cải thiện hiệu quả kinh doanh.
“Vingroup đánh giá cao tiềm năng phát triển của hai cảng, đồng thời nhìn nhận chiến lược cổ phần hóa của Bộ Giao thông - Vận tải với sự tham gia quyết liệt của nhà đầu tư trong nước là một bước đi đúng đắn để phát triển ngành vận tải thủy”, lãnh đạo Vingroup đánh giá.
Cần phải nói thêm rằng, đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua, Vingroup nhắc lại đề xuất này với Bộ Giao thông - Vận tải. Chính vì vậy, văn bản được gửi đi vào đầu tháng 3/2015 này không chỉ để giải trình rõ hơn với lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, mà còn thể hiện quyết tâm tạo ra một thương vụ M&A tại Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn của Vingroup.
Ngoài việc đã nắm trong tay Cảng Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), một công ty con của Vingroup cũng đã nộp đơn xin trở thành thành đầu tư Dự án Xây dựng cảng hành khách Phú Quốc tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Bên cạnh đó, đang xuất hiện thông tin, Vingroup chính là nhà đầu tư duy nhất muốn mua lại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc.
Để có thể sở hữu phần lớn cổ phiếu Cảng Hải Phòng, Tập đoàn Vingroup sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI), thành viên Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman (SGRF).
Nhà đầu tư đến từ Trung Đông này từng có văn bản gửi Chính phủ xin được chuyển nhượng 29,68% vốn điều lệ của Cảng Hải Phòng (tương đương 97.057.400 cổ phần) theo hình thức thỏa thuận giá bán.
Tại Cảng Sài Gòn, nếu chấp thuận cho Vingroup trở thành nhà đầu tư chiến lược, Hội đồng Thành viên Vinalines cũng sẽ phải sửa nghị quyết về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Trước đó, Hội đồng Thành viên Vinalines đã thống nhất được tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi mua cổ phần tại Cảng Sài Gòn. Đối tượng được chọn là nhà đầu tư trong và ngoài nước có chức năng kinh doanh và hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường sông, đường bộ; kinh doanh dịch vụ logistics; quản lý và khai thác cảng biển; tài chính, ngân hàng; có thời gian hoạt động liên tục tối thiểu đến năm 2014 là 5 năm; có số vốn chủ sở hữu tối thiểu là 50 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 70 tỷ đồng vào niên độ tài chính năm 2013.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, vẫn đang xem xét đề nghị của Tập đoàn Vingroup và sẽ báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.