Vingroup, Gemadept, VietinBank và VPBank quyết trở thành cổ đông chiến lược Cảng Sài Gòn

Hàng loạt nhà đầu tư lớn đang đổ xô đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của Cảng Sài Gòn - cảng biển lớn nhất Việt Nam.
Cảng Sài Gòn từng đứng thứ 25 trong top 50 cảng container lớn nhất thế giới. Ảnh: Chí Cường

Cảng Sài Gòn từng đứng thứ 25 trong top 50 cảng container lớn nhất thế giới. Ảnh: Chí Cường

Cảng Sài Gòn hút nhà đầu tư

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, cho đến giữa tháng 3/2015, khối lượng cổ phần mà các nhà đầu tư đăng ký mua để trở thành cổ đông chiến lược khi tiến hành cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) đã lên tới 136% vốn điều lệ.

Hiện danh tính của 4 nhà đầu tư quyết tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược của cảng biển từng đứng thứ 25 trong top 50 cảng container lớn nhất thế giới theo đánh giá của Hội Vận tải biển thế giới đã lộ diện.

Theo đó, Tập đoàn Vingroup đăng ký mua tới 80% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Gemadept xin mua 23%; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) mua 11% và Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) xin mua 22% vốn điều lệ.

Được biết, trong khi Vingroup, Gemadept sẽ phải “chồng” tiền mặt để mua cổ phần, thì hai ngân hàng thương mại lại tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Cảng Sài Gòn với phương thức trả nợ thành vốn góp.

Không khó để lý giải vì sao cổ phiếu Cảng Sài Gòn lại trở nên có sức hút đến vậy dù cảng biển này có giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Cụ thể, tại thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2014, giá trị thực tế của Cảng Sài Gòn được xác định là 3.955,2 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa là 2.162,9 tỷ đồng.

Đánh giá về tiềm năng của Cảng Sài Gòn, bà Đinh Thị Thu Thảo, chuyên gia phân tích (thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt) cho rằng, đối với các doanh nghiệp cảng biển, vị trí và quy mô cảng là những yếu tố quan trọng quyết định kết quả kinh doanh. Cảng Sài Gòn hội tụ đủ hai yếu tố trên.

Tại khu vực TP.HCM, Cảng Sài Gòn có 3 cầu bến Nhà Rồng Khánh Hội, Tân Thuận, Tân Thuận 2 với chiều dài luồng 85 km, độ mớn nước 10,5 m, nên có thể đón nhận được các tàu có tải trọng lớn 32.000-60.000 DWT. Tại khu vực Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cảng Sài Gòn có một cầu bến với chiều dài luồng 25 km, độ mớn nước 9,1 m, có khả năng đón nhận các tàu lớn có tải trọng lên đến 50.000 DWT. Ngoài ra, hầu hết các cảng nhỏ thuộc hệ thống Cảng Sài Gòn tập trung vào trung tâm các thành phố lớn, rất phù hợp với việc đón nhận hàng hóa tiêu dùng nội địa và hàng nhập khẩu.

Choáng vì quỹ đất khủng

Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của Cảng Sài Gòn trong con mắt của không ít nhà đầu tư không phải là những số liệu về doanh thu, lợi nhuận, mà chính là quỹ đất vàng khổng lồ mà doanh nghiệp thành viên Vinalines nắm giữ.

Cụ thể, tại khu vực TP.HCM, Cảng Sài Gòn đang sở hữu quyền khai thác 16 lô đất cực lớn nằm ở những vị trí đắc địa, như Khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội rộng 247.880 m2; trụ sở làm việc cảng tại phường 12, quận 4 rộng 5.000 m2; Khu đất số 360 - Bến Vân Đồn (quận 4) rộng 6.796 m2; Khu Tân Thuận 1 (quận 7) rộng 155.966 m2…

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng Sài Gòn sở hữu quyền sử dụng đất tại 4 vị trí trong đó có Cảng CMIT rộng 479.849 m2; cảng SSIT rộng 604.692 m2. Ngoài ra, Cảng còn sở hữu Khách sạn Cảng Sài Gòn rộng 2.405 m2 tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Toàn bộ quyền sử dụng đất này hiện được Hội đồng Thành viên Cảng Sài Gòn định giá khoảng 246 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines, vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động Cảng Sài Gòn chính là việc đơn vị chủ quản sẽ phải xây dựng lại phương án cổ phần hóa. Tại phương án được Hội đồng Thành viên Vinalines phê duyệt vào tháng 8/2014, Cảng Sài Gòn có số vốn điều lệ 2.162,9 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm 51% vốn điều lệ; cán bộ - công nhân 2,9%; công đoàn 0,14%; cổ đông bên ngoài 45,96%.

Trong trường hợp bán đủ lượng cổ phần theo đề nghị của Vingroup, tỷ lệ cổ phần còn  lại mà Nhà nước nắm giữ, bán đấu giá cho các nhà đầu tư thông thường, hoặc bán cho các nhà đầu tư chiến lược khác chỉ còn 16,96%. Đây là vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của đơn vị chủ quản, bởi theo văn bản 2342/TTg-ĐMDN ngày 21/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu Vinalines, Tổng công ty phải nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ khi cổ phần hóa Cảng Sài Gòn.

“Nếu không sớm cởi được vướng mắc này, Vinalines khó đáp ứng được mốc tiến độ hoàn thành cổ phần hóa Cảng Sài Gòn vào giữa tháng 6/2015”, ông Huệ cho biết.

Tin bài liên quan