Từ cách làm “lạ”: Hãng xe mới làm chủ chuỗi giá trị…
Không giống các dự án sản xuất ô tô thường bắt đầu từ một khâu trong chuỗi giá trị sẵn có, VinFast đã chủ động tạo ra chuỗi giá trị mới của mình và nhanh chóng lấp đầy chuỗi giá trị này bằng những tên tuổi hàng đầu thế giới.
Có lẽ, chính phẩm chất của người dẫn đầu ấy khiến các đối tác hàng đầu thế giới như Siemens, Bosch, Magna Steyr, AVL, Pininfarina, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức... cùng góp mặt trong dự án chế tạo ô tô thương hiệu Việt này và đặt VinFast ngang hàng với các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Hãng xe Việt cũng chủ động trong việc chiêu mộ những nhân vật có tiếng trong lĩnh vực xe hơi toàn cầu về làm việc. Trong đó, có những nhân sự cấp cao với uy tín quốc tế và kinh nghiệm dày dạn trong ngành như ông Võ Quang Huệ, cựu Tổng giám đốc Bosch Việt Nam; James Deluca, từng giữ vị trí Phó chủ tịch General Motors toàn cầu; Dave Lyon, nguyên Giám đốc thiết kế của GM.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, sở dĩ Vingroup tự tin lựa chọn đột phá như vậy là do điều kiện tự thân và điều kiện quốc tế của tập đoàn này đã hội đủ. Đây là bước phát triển tự nhiên của một doanh nghiệp lớn.
“Chính vì vậy, ở thời điểm này, vấn đề không còn là việc VinFast sẽ hiện thực hóa giấc mơ ô tô thương hiệu Việt nữa, mà là Việt Nam đã có doanh nghiệp đủ tư thế, đủ khả năng để chủ động tạo lập và đứng đầu một chuỗi giá trị quốc tế, với sự đồng hành của các thương hiệu hàng đầu thế giới”, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.
Để làm được điều này không dễ. Không chỉ cần có nguồn lực mạnh, uy tín quốc tế cao, doanh nghiệp còn phải có quyết tâm cao độ trong việc tạo dựng một sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
“Phải là những người nào có tinh thần kinh doanh rất cao mới dám làm, thậm chí liều lĩnh, chấp nhận rủi ro mới dám đương đầu trong ngành có nhiều ‘ông kẹ’ của thế giới như Toyota, BMW, Mercedes, Honda...”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ quan điểm.
Chẳng hạn, trong việc điền tên BMW vào chuỗi giá trị, một chuyên gia về công nghiệp ô tô chia sẻ rằng, đây là một sự hợp tác rất “táo bạo” của VinFast. Bởi nếu là một đối tác khác không nằm trong tốp đầu thế giới, thì chi phí sẽ thấp hơn và công nghệ cũng dễ tiếp nhận hơn. Nhưng VinFast đã chọn BMW và cái bắt tay của VinFast với BMW cho thấy, hãng xe Việt ngoài tiềm lực tài chính, còn có sự khát khao, có tầm nhìn dài hạn và bền vững.
Nội thất xe của VinFast.
Sự lựa chọn chiến lược đã thể hiện tầm cỡ của thương hiệu xe Việt. Thay vì trở thành nhà lắp ráp chuyên nghiệp hay đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp trong hàng chục năm, VinFast đã khẳng định vị thế đứng đầu, trở thành người dẫn dắt chuỗi giá trị để tạo ra những chiếc ô tô đẳng cấp quốc tế với bản sắc Việt.
Theo ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, chính cách “nghĩ khác, làm khác” của VinFast đã mang lại niềm tin “chưa từng có” của xã hội vào tương lai xán lạn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung.
“VinFast phát triển hãng ô tô mới mà không theo lối mòn. Cách tiếp cận của VinFast rất chuyên nghiệp. Họ đã ứng dụng thành tựu của ngành công nghiệp ô tô thế giới để tự xây dựng chuỗi giá trị cho mình. Doanh nghiệp khác có thể nhìn vào và nhận ra rằng, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thành công như vậy. Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành và có chỗ đứng xứng đáng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện nay”, ông Quang nói.
…tới việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt cùng phát triển
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, chúng ta trông đợi vào các dự án do nước ngoài đầu tư với kỳ vọng giúp phát triển nhiều ngành nghề, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để thúc đẩy hàm lượng giá trị Việt trong các sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện chỉ dừng lại ở mức độ “mong muốn”.
Các dự án này chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Ở một góc độ khác, các doanh nghiệp trong nước cũng còn nhiều điểm yếu về kinh nghiệm và khả năng vận hành, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu cao về tiêu chuẩn. Thay vì giúp đưa các doanh nghiệp Việt tăng tốc ở nhiều cấp độ, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào và điều này đã làm hạn chế sức bật của doanh nghiệp nội địa.
Ngành công nghiệp sẽ không thể phát triển nếu chỉ trông chờ vào lắp ráp, trong khi các công ty trong nước ít có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng. Vì thế, muốn lớn, doanh nghiệp Việt chỉ có thể tự giành lấy thế chủ động. Đây chính là khát vọng mà VinFast và công ty mẹ là Vingroup đã nhiều lần bày tỏ khi chia sẻ về dự án sản xuất ô tô thương hiệu Việt của họ.
"Việc sản xuất một chiếc ô tô mới cho thấy, dự án ở giai đoạn trung nguồn. Còn nếu sản xuất từng chi tiết với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao thì là đi lên thượng nguồn", ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách Dự án VinFast cho biết.
VinFast xác định tầm quan trọng của việc có được một mạng lưới công nghiệp phụ trợ không chỉ vì mục tiêu dài hạn là đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% với ô tô và 100% với xe máy điện, mà còn góp phần tạo sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung.
Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, hãng xe Việt đã sử dụng tới 30% diện tích tại Tổ hợp nhà máy VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) để xây dựng các nhà máy phụ trợ. Ông Lê Dương Quang đánh giá, đây là cơ hội lớn để các nhà cung ứng nội địa tham gia chuỗi giá trị sản xuất của một sản phẩm mang tầm thế giới, nhưng do người Việt Nam làm chủ.
“Sự phát triển của VinFast sẽ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo và có cơ hội khẳng định mình để tiến ra thế giới”, ông Lê Dương Quang nói.
Như vậy, hệ giá trị mà VinFast đã tạo lập từ khát vọng của mình rõ ràng không chỉ dừng lại ở chiếc xe hơi cụ thể. Đó là giá trị về niềm tin rằng doanh nghiệp Việt có đủ khả năng, đủ vị thế để đứng đầu chuỗi sản xuất với các mắt xích là những tên tuổi lớn của thế giới. Đó còn là giá trị về khát vọng muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, qua đó cùng nhau tạo đà cho sự vươn cao của nền kinh tế nước nhà.