Hiệu quả hoạt động thấp
Theo báo cáo tại Đại hội, năm 2013, Vinexad đạt 90,6 tỷ đồng doanh thu, 3,65 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức 18%. Năm 2014, Vinexad đặt kế hoạch doanh thu 80 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3,5 tỷ đồng, cổ tức 15%. Vinexad hiện có vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng, trụ sở tọa lạc ở vị trí “đất vàng” ngay cạnh Hồ Gươm, trên diện tích gần 400 m2 tại số 9 Đinh Lễ (Hà Nội). Trụ sở này một phần sử dụng làm văn phòng làm việc, một phần cho thuê.
Góp ý tại Đại hội, cổ đông cho rằng, với những lợi thế hiện tại, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2013 cũng như kế hoạch 2014 của Công ty là quá thấp. Cổ đông cũng đề nghị Ban lãnh đạo Công ty cho biết chi tiết hơn về thực trạng cho thuê nhà.
Ông Nguyễn Khắc Luận, Tổng giám đốc Vinexad giải trình, năm 2013, doanh thu cho thuê văn phòng là 2,4 tỷ đồng, trừ các chi phí, lợi nhuận còn 1,6 tỷ đồng. Sở dĩ phần chi phí lớn như vậy là do tòa nhà được cải tạo từ nhà cũ, nên giá thuê không cao, trong khi tốn nhiều chi phí tu bổ, sửa chữa. Trong quý I/2014, Công ty mất 40% đối tác thuê nhà, một số đối tác khác đòi giảm giá thuê, nên doanh thu từ hoạt động cho thuê năm 2014 có thể chỉ đạt 1,5 tỷ đồng.
Bán trụ sở “tù mù”
Một nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến tranh luận tại ĐHCĐ Vinexad là việc bán trụ sở tại số 9 Đinh Lễ. Theo Tổng giám đốc Công ty, trụ sở ở số 9 Đinh Lễ là đất thuê của Nhà nước, hết hạn vào năm 2026, diện tích sàn khoảng 1.500 m2, nhưng diện tích thực sử dụng chỉ khoảng 50%, trong đó tầng 1, 2, 3 cho thuê, tầng 4 và 5 làm trụ sở văn phòng.
Ông Luận cho biết, hiện tại Công ty gặp khó khăn về việc cho thuê, trong khi TP. Hà Nội lại điều chỉnh giá thuê đất tăng 12 lần, từ 44 triệu đồng/năm lên 540 triệu đồng/năm và có thể còn tăng. Hơn nữa, tòa nhà đã xuống cấp, năm nào cũng phải sửa chữa, cải tạo làm tăng chi phí. Các phương án xây khách sạn, văn phòng cho thuê đều đã được tính đến, nhưng không khả thi, bởi Công ty không có vốn, tòa nhà sát Hồ Gươm nên chiều cao bị hạn chế, tối đa 18m… Do đó, HĐQT đề xuất phương án chuyển nhượng tài sản trên đất ở số 9 Đinh Lễ, trình ĐHCĐ thông qua.
“Tài sản của Công ty chỉ là tòa nhà trên đất, chứ không phải quyền sử dụng đất, bởi đây là đất thuê của Nhà nước”, ông Luận nhấn mạnh.
Đáng chú ý, trong tờ trình ĐHCĐ, Vinexad chỉ nêu: chấp thuận chủ trương bán trụ sở số 9 Đinh Lễ và ủy quyền toàn bộ cho HĐQT tìm kiếm đối tác, thương lượng giá cả, tiến hành thủ tục bán… Số tiền thu được sẽ dùng để mua trụ sở mới, chia cổ tức và bổ sung vốn lưu động.
Trước phương án bán trụ sở bị đánh giá là khá “tù mù” này, nhiều cổ đông Vinexad đã có ý kiến ngay tại Đại hội. Một cổ đông phát biểu, việc ủy quyền cho HĐQT đứng ra chuyển nhượng tài sản cần phải bàn thêm. Phải cụ thể một số nội dung, như thuê tổ chức nào định giá, giá sàn là bao nhiêu, mua trụ sở thì mua chung cư hay nhà đất, số tiền bán được sẽ dành bao nhiêu để chia cổ tức...
“Vấn đề không chỉ là bán tòa nhà, mà quan trọng hơn là bán quyền được thuê đất tại đây. Đây là lợi thế làm cho tài sản trên đất có giá trị”, cổ đông trên nói.
Đồng tình với ý kiến này, một số cổ đông khác cho rằng, tờ trình xin ý kiến bán trụ sở được xây dựng quá sơ sài, yêu cầu Ban lãnh đạo Công ty xây dựng lại tờ trình và xin ý kiến cổ đông vào dịp khác.
Trước ý kiến trên của cổ đông, ông Luận cho biết, hiện Công ty đang mời một đơn vị để định giá trụ sở. Tài sản trên đất, là tòa nhà, được định giá khoảng 15 - 16 tỷ đồng, cộng thêm lợi thế quyền thuê đất, tổng giá trị được định giá khoảng 70 tỷ đồng. Ông Luận nhấn mạnh, đây chỉ là xin ý kiến cổ đông về mặt chủ trương để HĐQT có căn cứ tiến hành các bước tiếp theo. Khi thực hiện bán sẽ đảm bảo đúng pháp luật, minh bạch.
Tuy nhiên, các cổ đông phản ứng và cho rằng, không đủ tin tưởng để ủy quyền hết cho HĐQT thực hiện toàn bộ việc bán trụ sở. Một phần nguyên nhân là vì trong lần xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bán trụ sở trước đó, Vinexad có biểu hiện thiếu minh bạch. Chẳng hạn, phiếu xin ý kiến không được đóng dấu giáp lai đầy đủ các trang, trang bỏ phiếu, đồng ý/không đồng ý không được đóng dấu… UBCK sau đó đã có văn bản yêu cầu Công ty giải trình.
Kết thúc Đại hội, dù nhiều cổ đông nhỏ lên tiếng phản đối, nhưng nội dung bán trụ sở vẫn được thông qua với 90% phiếu thuận, với bổ sung nội dung: HĐQT sẽ xây dựng phương án chi tiết hơn để trình cổ đông.