Vinawealth: “Kẻ dò đường” tự tin

Vinawealth: “Kẻ dò đường” tự tin

(ĐTCK) Có ít nhất 5 công ty quản lý quỹ lớn từng nói sẵn sàng cho quỹ mở, nhưng chỉ có 3 đơn vị chính thức nộp hồ sơ và đến nay mới có 2 quỹ tiến hành IPO.

Chắc chắn có lý do để các quỹ lớn e dè trong việc bắt đầu loại hình quỹ này ở Việt Nam, nhưng cũng có yếu tố để những người đi tiên phong chấp nhận thách thức.

Nhận thách thức vì tin cơ hội

“Tiền đầu tư trên thị trường bây giờ không thiếu, quan trọng là làm thế nào để NĐT tin tưởng”, ông Andy Ho, Chủ tịch HĐQT VinaWealth, công ty quản lý quỹ mở VFF, trao đổi với ĐTCK về lý do lập quỹ trong buổi roadshow giới thiệu quỹ tại Hà Nội cuối tuần qua. Bởi vậy, VFF hướng phần lớn vào các khách hàng cá nhân có tiền, đặc biệt là những người bị hạn chế về thời gian, thông tin thị trường và kinh nghiệm để đầu tư trái phiếu.

Trong buổi roadshow, VFF tự tin đề ra mức lợi nhuận mục tiêu cao hơn 3% so với lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng, thậm chí có thể lên tới trên 20% cho NĐT, tương đương với mức lợi nhuận mà Ban điều hành Quỹ đã đạt được trong những tháng gần đây. Mức lợi nhuận này cao hơn mức tăng 17% của VN-Index trong năm 2012 và so với lãi suất tiền gửi là 9%/năm.

Theo lập luận của Ban điều hành Quỹ VFF, hiện lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm khoảng 9,5%/năm và dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm (giảm khoảng 1%) trong năm 2013. Bằng chiến lược phân bổ tài sản đầu tư linh hoạt và quản lý danh mục chủ động, VinaWealth tin rằng có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Vinawealth: “Kẻ dò đường” tự tin ảnh 1

Kênh TPCP có mức sinh lợi ổn định nhất và thậm chí cao hơn hầu hết các kênh đầu tư thông thường khác, kể cả cổ phiếu tại thị trường Việt Nam trong năm 2012. Dự báo, thị trường TPCP sẽ vẫn tiếp tục sôi động, thanh khoản cao trong năm 2013 do nhu cầu đầu tư vào TPCP vẫn duy trì ở mức cao từ các NHTM (do dư thừa thanh khoản tạm thời vì tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ vẫn thấp do hạn chế về đầu ra như vấn đề nợ xấu chưa được cải thiện…). Bên cạnh đó, khoảng 3,5 tỷ USD TPCP đáo hạn trong năm 2013 dự báo cũng tiếp tục “ở lại” với trái phiếu.

Tất nhiên, không ít ý kiến vẫn hoài nghi về “tham vọng” lợi nhuận 20% của VFF, vì để đạt được lợi nhuận đó, Quỹ phải đảm bảo luôn giải ngân đúng giá thấp, chốt lãi đúng giá cao trong suốt cả năm. Nhưng mục tiêu của Vinawealth gây ấn tượng với nhiều NĐT cá nhân, hiện vẫn đang xa cách với các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Tiền đầu tư ở TTCK Việt Nam không thiếu, minh chứng rõ nhất ở việc mỗi khi có sóng hồi liền lập tức có một lượng tiền đổ vào thị trường, đến mức người ta phải đặt câu hỏi “tiền ở đâu nhiều thế” - trong số đó dường như có một phần lớn là tiền của NĐT cá nhân. Trong sóng hồi đầu tháng 1/2013, khi mà NĐT tổ chức trong nước còn dè dặt và khối ngoại cũng giữ mức “hưng phấn” vừa phải, giá trị khớp lệnh đang từ 400 tỷ đồng/phiên giữa tháng 12/2012, chỉ trong 3 tuần đã vọt lên 1.800 tỷ đồng/phiên trên hai sàn niêm yết.

Bản thân cơ quan quản lý cũng đã nỗ lực “uốn nắn” dòng tiền cá nhân đó - dòng tiền thường xuyên biến động rất mạnh một cách cảm tính - bằng cách khuyến khích hình thành các NĐT tổ chức. Hiện trên thị trường đã có hơn 20 quỹ đầu tư, nhưng tất cả đều là quỹ đóng nên không thể tăng hay giảm quy mô tương ứng với dòng tiền vào - ra. Mặt khác, hầu hết các chứng chỉ quỹ đều giao dịch dưới mệnh giá nên cũng không hấp dẫn NĐT. Điều đó thúc đẩy một loạt hành lang pháp lý cho quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hoán đổi danh mục và quỹ tín thác bất động sản cùng với những chính sách khuyến khích cho các loại hình quỹ này chuẩn bị ra đời.

“Chúng tôi quyết tâm làm Quỹ VFF với một niềm tin là, khi quỹ mở trở thành một phong trào thì chúng tôi đã đi trước và đã định vị được hình ảnh trong mắt NĐT”, ông Andy nói.

 

Nhiều người dừng “cuộc chơi”

Ý tưởng hình thành quỹ mở được khá nhiều nhà quản lý quỹ thai nghén từ cách đây 2 năm, nhưng hiện phần lớn đã từ bỏ ý định này. Từ đầu năm 2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trong báo cáo tổng kết thị trường đã cho biết, có ít nhất Manulife, Prudential (hiện là Eastspring Investments), VFM, SSIAM tỏ ra quan tâm và sẵn sàng cho việc lập quỹ mở. Sau đó, có thêm MBCapital cũng công khai kế hoạch lập quỹ mở của mình. Có ít nhất hai quỹ trong số đó tuyên bố sẽ cho ra đời quỹ mở ngay lập tức khi khung pháp lý về loại hình quỹ này ra đời.

Nhưng khi hành lang pháp lý đã hoàn tất vào đầu năm 2012, chỉ có VFM và MBCapital nộp hồ sơ lần lượt vào tháng 3 và tháng 4 năm qua. Các quỹ khác hoặc im lặng hoặc trao đổi bên lề rằng, thị trường chưa đủ điều kiện để quỹ mở hoạt động một cách suôn sẻ.

Đến giữa năm 2012, các quỹ lại gặp khó khăn khi một ngân hàng lớn - cũng là thành viên tích cực trong nhóm thúc đẩy UBCK hoàn thiện cơ chế cho quỹ mở - có thể không cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát. Trong khi đó, hai quỹ nộp hồ sơ đều bị trả lại hồ sơ để tiếp tục hoàn thiện.

Đến tháng 11, Vinawealth - một cái tên không xuất hiện trên phương tiện truyền thông nói về quỹ mở trước đó - nộp hồ sơ lên UBCK. Tháng 12/2012, Vinawealth và MBCapital trở thành 2 cái tên đầu tiên được cấp phép chào bán chứng chỉ quỹ mở. Trong khi đó, VFM rút hồ sơ lập Quỹ VFMI30 với lý do muốn chọn thời điểm phù hợp hơn để ra mắt NĐT.

“Giữa năm 2012, thời gian thị trường trầm lắng chưa thật sự phù hợp với sản phẩm VFMI30”, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc của VFM cho biết. Tất nhiên, các quỹ lớn như SSIAM, Prudential, Manulife, VFM có những căn cứ để chưa tính việc thành lập quỹ mở, đợi thị trường ấm lên. Đứng từ góc độ nhà quản lý quỹ, với quỹ đóng, họ có thể đem toàn bộ tiền đi đầu tư vì NĐT không thể buộc Ban điều hành quỹ phải mua lại chứng chỉ quỹ, nhưng với quỹ mở, việc đem tiền đi đầu tư sẽ phải tính đến cả khoản dự trữ cho việc NĐT rút ra khỏi quỹ. Khoản dự trữ này sẽ phải tương đối lớn trong thời điểm thị trường xấu.

 

“Nếu thất bại, chúng tôi làm lại”

Đại diện Quỹ VFF nói, Quỹ giống như đang khởi động một chiếc xe ô tô để giữa trời lạnh lâu ngày. “Lúc đầu, đề xe sẽ rất khó, phải mất nhiều công sức để chiếc xe chạy, nhưng khi xe đã chạy rồi thì nó sẽ cứ thế bon bon trên đường và tăng tốc”, ông Andy nói.

Trao đổi bên lề roadshow chứng chỉ quỹ VFF, giám đốc điều hành của một quỹ nội địa có giá trị tài sản đang quản lý thuộc top lớn nhất Việt Nam cho biết, ông chỉ đến học hỏi kinh nghiệm của “đội bạn” chứ chưa có ý định lập quỹ mở, dù công ty quản lý quỹ của ông có lợi thế là nền tảng khách hàng cá nhân rất lớn từ công ty mẹ. Nguyên nhân khách quan theo vị này là do NĐT Việt Nam vẫn chưa quen với loại hình quỹ mở - vốn là loại hình đầu tư cao cấp và phức tạp hơn quỹ đóng, nên dễ gây áp lực bán lớn trong bối cảnh thị trường xấu.

“Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy khi cho ra đời quỹ mở là phổ biến tới công chúng về loại hình sản phẩm mới này”, ông Sebastian Subba, Tổng giám đốc của Vinawealth nói. “Việt Nam hiện có nền tảng thị trường vốn khá sơ khai và việc trở thành quỹ mở đầu tiên ở thị trường này cần rất nhiều nỗ lực”.

Có một vài lý do để VinaCapital và Vinawealth tự tin với công việc dẫn đường phổ biến quỹ mở tới NĐT của mình. Hiện VinaCapital là quỹ đầu tư có khối tài sản quản lý lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản 3 quỹ VOF, VNI và VNL ước tính khoảng 1,5 tỷ USD và cả 3 quỹ này đều niêm yết chứng chỉ quỹ tại London. Mặc dù giá trị chiết khấu của các chứng chỉ quỹ vẫn rất lớn, nhưng giá trị tài sản ròng của VOF và VNI đã tăng 17,4% và 11,9% trong năm 2012.

“Nếu hỏi chúng tôi có sợ rủi ro do áp lực thị trường không, câu trả lời là có”, ông Andy chia sẻ. “Nhưng điểm khác ở đây là trong đánh giá của chúng tôi, cơ hội mà quỹ mở đem đến cao hơn rủi ro”.

“Kể cả nếu thất bại, chúng tôi sẽ làm lại. Nhưng nếu chúng tôi thành công thì có cơ hội trở thành người đầu tiên gặt hái được thành quả thị trường”, ông Andy nói.

 

Quỹ mở, băn khoăn của nhà đầu tư

 

Khi hỏi về sự quan tâm của nhà đầu tư với sản phẩm quỹ mở, ĐTCK ghi nhận được một số băn khoăn sau đây:

 

Thứ nhất, trái phiếu chính phủ là loại chứng khoán còn xa lạ, phức tạp với nhà đầu tư cá nhân. Nếu với cổ phiếu anh có thể lên sàn theo dõi diễn biến giá từng giờ, từng ngày, nhưng với trái phiếu, việc theo dõi giá cũng như giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ là một khó khăn với họ.

 

Thứ hai, khả năng đạt mức lợi nhuận kỳ vọng 20% VFF hướng không thực sự rõ ràng trên một thị trường tài chính có nhiều diễn biến bất thường như hiện nay. Trong khi đó, mua quỹ mở là nhà đầu tư phải chịu phí quản lý 2,5-2,8% giá trị tài sản ròng, mặc dù thấp hơn so với thông lệ quốc tế (3-3,5%), nhưng vẫn là một khoản chi thực và không thật hấp dẫn khi lợi nhuận cam kết không chắc chắn.

 

Thứ ba, mặc dù nhà đầu tư có quyền yêu cầu quỹ mua lại chứng chỉ quỹ mở, tức là được quyền bán chứng chỉ quỹ mở bất kỳ lúc nào, nhưng mức bán tối đa (mà quỹ chấp nhận trong mỗi lần như vậy) chỉ được 10%. Như vậy vẫn luôn có ít nhất 90% tiền của nhà đầu tư được “lưu giữ” tại quỹ.