Vinatex khó tìm cổ đông chiến lược

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phần.
Vinatex khó tìm cổ đông chiến lược

Cổ đông chiến lược chưa lộ diện

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phần, Vinatex sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 120 triệu cổ phần, tương đương 24% vốn điều lệ và chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần 122 triệu cổ phần, tương đương 24,4% vốn điều lệ.

Phiên IPO dự kiến diễn ra vào ngày 6/8/2014.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐTV Vinatex xác nhận, đến thời điểm này, vẫn chưa lộ diện nhà đầu tư chiến lược của Vinatex. “Chúng tôi vẫn đang trong thời gian tìm kiếm và mọi thông tin về nhà đầu tư chiến lược của Vinatex sẽ chỉ được công bố khi các bên thống nhất xong”, ông Giang nói.

Thông tin từ Vinatex cho biết, từ cuối năm 2012, đặc biệt là năm 2013, Vinatex đã tiếp xúc với rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, chủ yếu hoạt động cùng ngành nghề đến tìm hiểu về kế hoạch cổ phần hóa cũng như IPO của Tập đoàn. Thế nhưng, các bên chưa thể dung hòa các tiêu chí cũng như kỳ vọng, khi Vinatex đặt nặng các tiêu chí doanh nghiệp phải cùng ngành nghề, có trình độ quản trị tiên tiến, am hiểu thị trường, hỗ trợ về vốn, công nghệ…, thì các nhà đầu tư đề cao yếu tố lợi nhuận và thường khó lòng thỏa mãn được cùng lúc nhiều tiêu chí mà Vinatex đưa ra.

“Về cơ bản, Vinatex sẽ chọn các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, thương hiệu mạnh, sẵn sàng chia sẻ với Tập đoàn về chiến lược đầu tư trong ngắn hạn cũng như dài hạn, tôn trọng và phát huy các giá trị truyền thống của Vinatex…”, đại diện Vinatex cho biết.

Đâu là điểm nghẽn?

Xuất khẩu dệt may năm 2013 vượt ngưỡng 20 tỷ USD, trong đó Vinatex góp gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, điểm yếu của ngành dệt may là chưa chủ động được nguyên phụ liệu, còn phụ thuộc vào nhập khẩu, với giá trị nhập khẩu năm 2013 lên tới 13 tỷ USD. Riêng với Vinatex, để xuất đạt gần 3 tỷ USD, Tập đoàn phải nhập khẩu tới 1,5 tỷ USD.

Như vậy, mặc dù được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao về năng lực, nhưng Vinatex vẫn không thoát khỏi điểm yếu là chưa chủ động được nguyên liệu.

Giám đốc một doanh nghiệp dệt thuộc Vinatex nhận định, các nhà đầu tư phải nhìn thấy tiềm năng của doanh nghiệp thì họ mới bỏ tiền đầu tư. Mục tiêu lớn của Vinatex trong 3 - 5 năm tới là dồn lực đầu tư cho khâu thượng nguồn, với các dự án trồng bông, kéo sợi, dệt nhuộm… nhằm giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu. Riêng năm 2014, Vinatex đầu tư gần 10.000 tỷ đồng cho các dự án này.

Theo vị giám đốc này, đầu tư các dự án thượng nguồn chiếm nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu và nếu không cùng ngành nghề, không có kinh nghiệm, thì rất khó đạt hiệu quả. Đó là một lý do quan trọng làm Vinatex không dễ tìm được nhà đầu tư đồng hành trên con đường dài của mình.

Vinatex kỳ vọng, cơ hội sẽ mở ra cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong thời gian tới. Thế nhưng, ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam cũng đang tỏ ra khá thận trọng.

“Chúng tôi luôn coi đầu tư vào Việt Nam là đầu tư lâu dài, mang tính chiến lược dựa trên các cân nhắc về chất lượng nguồn nhân lực, sự tối ưu hóa chuỗi cung ứng…, chứ không chỉ là khoản đầu tư cơ hội để đón đầu TPP”, ông John Cheh, Tổng giám đốc Tập đoàn Esquel (Hồng Kông) nói và cho biết, quyết định đầu tư vào phần thượng nguồn  là việc lớn, cần được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là yếu tố con người. Về yếu tố này, Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn cao để có thể đáp ứng được yêu cầu của các dự án dệt nhuộm hiện đại.

Tin bài liên quan