Và việc tái cấu trúc Tổng công ty Chè vừa qua được coi là bước đi phù hợp, tạo tiền đề cho tận dụng và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh nhờ nắm bắt cơ hội này.
Cơ hội lớn từ TPP
Là một quốc gia có vùng nguyên liệu chè lớn, với thương hiệu Vinatea đã được thế giới biết đến, nhưng trong thời gian vừa qua, thương hiệu chè Việt Nam trên trường quốc tế vẫn còn quá nhỏ so với tiềm năng phát triển của ngành, với sức cạnh tranh thấp, trong đó, cản trở lớn chủ yếu đến từ thuế.
Hiện nay, khi nhập khẩu chè dưới dạng nguyên liệu sản xuất, các nhà nhập khẩu sẽ chịu mức thuế khoảng 1- 3%. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu chè đóng gói nhỏ, đóng lon, chai… (dưới 3kg) sẽ chịu mức thuế rất cao (30 - 45%, tương đương gần 1/3 giá thành của nhà nhập khẩu) bởi đây là tư liệu tiêu dùng. Đây là một trong những lý do của tình trạng chè Việt Nam xuất khẩu sang các nước, trong đó có các nước tham gia TPP chủ yếu được đóng bao to từ 30 – 60 kg, dưới dạng nguyên liệu để các nhà nhập khẩu cung ứng cho các nhà đóng gói. Điều này khiến tên tuổi chè Việt Nam không đến được với người tiêu dùng trên thế giới và biên lợi nhuận không cao.
Vào TPP, tình trạng này sẽ thay đổi.
TS. Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, khi TPP có hiệu lực, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm đến bằng 0% cho mọi loại chè của Việt Nam vào khối này. Trong khi đó, khối TPP gần như chỉ có Việt Nam xuất khẩu chè. Điều này có nghĩa là, chè Việt Nam ngoài cơ hội xuất khẩu gói lớn, sẽ có cơ hội được xuất khẩu thành phẩm đến tay người tiêu dùng, bao gồm chè đóng gói nhỏ và các chè chế biến thành phẩm, với giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với các đối thủ đến từ các quốc gia còn lại.
Như vậy, nhờ việc tham gia khối TPP cùng với các hiệp định tự do thương mại (FTA) khác ký với EU, Hàn Quốc, tính đến thời điểm này, ngành chè Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, với tính cạnh tranh vượt trội so với chè đến từ các quốc gia khác ở hầu hết các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ mức thuế suất 0%. Không chỉ giá thành hạ, đây còn là cơ hội để ngành chè Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến có biên lợi nhuận cao hơn và xây dựng thương hiệu quốc gia với khách hàng trên thế giới.
“Tôi cho rằng, ngành chè đang có cơ hội phát triển rất mạnh khi Việt Nam gia nhập TPP. Vấn đề là chúng ta tận dụng cơ hội đó như thế nào”, TS. Tài nói.
Cuộc chuyển mình của Vinatea
Ngày 11/12/2015, Tổng công ty Chè Việt Nam – Công ty TNHH MTV đã tổ chức cuộc họp ĐHCĐ lần thứ nhất để thành lập Tổng công ty Chè Việt Nam – CTCP. Đây được coi là bước chuyển mình đặc biệt quan trọng với sự phát triển của Vinatea nói riêng, ngành chè Việt Nam nói chung.
Tại cuộc họp ĐHCĐ lần thứ nhất nói trên, trong bài phát biểu ra mắt ĐHCĐ, ông Nguyễn Cao Lê, Chủ tịch HĐQT Vinatea đã trình bày kế hoạch phát triển Vinatea toàn diện trong giai đoạn mới, trong đó, con người là động lực trọng tâm cho sự thay đổi, nhằm tạo ra một chuỗi từ vùng cung ứng nguyên liệu đến quy trình sản xuất sạch, hiệu quả, có chất lượng và hệ thống phân phối rộng khắp.
Nhận xét về Vinatea, TS. Tài cho rằng, là doanh nghiệp nhà nước ra đời sớm nhất của ngành chè, Tổng công ty đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về tổ chức sản xuất, quản lý và khoa học công nghệ; hệ thống vườn chè có năng suất cao, chất lượng tốt, các cơ sở chế biến cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá hoàn chỉnh tại các vùng sinh thái khác nhau.
Đặc biệt, Vinatea có đội ngũ cán bộ và công nhân làm chè có trình độ, tay nghề cao. Thế nhưng, những hạn chế về nguồn vốn cũng như việc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức trong quá khứ, đặc biệt việc chưa xây dựng quy trình chuẩn đảm bảo chất lượng chè ở mức cao và ổn định chính là nguyên nhân Vinatea gặp nhiều khó khăn.
“Tôi tin rằng sự tham gia đầu tư của cổ đông mới GTN, với sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm tái cấu trúc, phát triển thương mại… sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới cho Vinatea”, TS. Tài nhận xét. Ông cũng cho rằng, nếu xây dựng tốt quy trình sản xuất, làm thương hiệu và đầu tư thêm vốn cho Vinatea, trong ngắn hạn, Tổng công ty có thể tăng tối thiểu 1,5 lần quy mô hoạt động.
Nhưng có lẽ, 1,5 lần lần quy mô hoạt động không phải là cái đích mà các cổ đông Vinatea hướng tới. “Nhật Bản chỉ có 2.000 héc-ta chè, nhưng có doanh thu hàng tỷ USD. Tại sao Việt Nam không làm được như vậy, khi diện tích vùng trồng chè lớn hơn nhiều?”, ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT GTN , đơn vị đã hoàn tất sở hữu chi phối Vinatea trăn trở. Và vì thế, ngay từ những ngày đầu tiên tiếp quản Vinatea, GTN đã tìm kiếm một số đối tác Nhật Bản và Srilanca để hỗ trợ công nghệ, sẵn sàng bắt tay vào giai đoạn thay đổi mạnh từ bên trong Vinatea.