Triển vọng kinh doanh của Vinasun được đánh giá là còn rất nhiều khó khăn trong năm 2021.

Triển vọng kinh doanh của Vinasun được đánh giá là còn rất nhiều khó khăn trong năm 2021.

Vinasun (VNS) hụt hơi đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
Sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe công nghệ và Covid-19 đã khiến CTCP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun - bị lỗ kỷ lục 210 tỷ đồng trong năm 2020.

Lỗ lớn

Kết thúc năm 2020, Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã chứng khoán VNS: HOSE) cho biết, doanh thu chỉ đạt 1.006 tỷ đồng, giảm gần 50% so với thực hiện năm 2019, với sự sụt giảm đồng thời tại mảng kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, vận tải hành khách theo hợp đồng và hoạt động kinh doanh khác.

Giá vốn hàng bán cũng giảm, nhưng ở mức thấp hơn, chỉ 34%, chủ yếu do khoản mục chi phí khấu hao và nhân công, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cấu trúc giá vốn, chỉ giảm thấp hơn đáng kể so với mức giảm doanh thu đã khiến Vinasun rơi vào tình trạng giá vốn vượt doanh thu và lỗ gộp gần 30 tỷ đồng.

Bất chấp các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý và chi phí tài chính cùng được tiết giảm, lũy kế cả năm 2020, hoạt động kinh doanh và tài chính của Công ty vẫn ghi nhận mức lỗ lên đến 278 tỷ đồng.

Dù các hoạt động khác như thanh lý xe, quảng cáo trên taxi vẫn đem về hơn 64 tỷ đồng lợi nhuận, song con số này không đủ bù đắp số lỗ của hoạt động kinh doanh. Kết quả, Công ty ghi nhận lỗ 210,7 tỷ đồng trong năm qua.

Trong năm 2020, Công ty thu hẹp quy mô hoạt động thông qua việc đẩy mạnh thạnh lý tài sản, trong khi giảm đầu tư mới thay thế và cắt giảm mạnh số lượng lao động còn 4.398 người đến cuối năm 2020, giảm 1.392 người so với cuối năm 2019. Việc này giúp Công ty tiết giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn, nhưng cũng đồng nghĩa với năng lực vận tải, khả năng cạnh tranh bị thu hẹp đáng kể.

Tương lai u ám

Bước sang năm 2021, khó khăn đầu tiên mà Vinasun tiếp tục phải đối mặt là dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp cả ở trong nước và quốc tế, khiến các tuyến vận tải hành khách quốc tế tiếp tục đóng băng (ngoại trừ các chuyến bay giải cứu công dân), trong khi nhu cầu đi lại trong nước vẫn ở mức thấp.

Việc dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, bao gồm cả các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán năm nay đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu đi lại, trong đó có nhu cầu sử dụng các phương tiện vận tải như taxi.

Triển vọng cải thiện nhu cầu đi lại từ nay đến cuối năm chưa khả quan, bởi ngay cả trong kịch bản vắc-xin có thể sớm được tiêm chủng đại trà, thì thời gian để các hoạt động vận tải, du lịch trở lại như trước khi có dịch bệnh cũng phải được tính bằng năm.

Khó khăn nữa là giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng và sau đợt điều chỉnh gần nhất vào giữa tháng 3/2020, giá các sản phẩm xăng dầu đã lên mức cao nhất trong 1 năm trở lại đây.

Nhiên liệu là chi phí quan trọng trong cấu trúc chi phí của Vinasun, chiếm 20-25% giá vốn. Do vậy, xu hướng tăng giá sẽ ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận của Công ty.

Khó khăn thứ ba mà Vinasun phải đổi mặt đến từ các hãng taxi công nghệ. Thực tế, đây không phải là khó khăn mới, mà đã kéo dài suốt nhiều năm qua.

Để ứng phó với xu hướng tiêu dùng mới, những năm qua, Vinasun đã thực hiện nhiều giải pháp như phát triển ứng dụng đặt xe, triển khai phát triển phương thức thanh toán online, nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý và điều hành xe thông qua GPS kết hợp với khai thác thế mạnh của việc điều xe qua hệ thống tổng đài - điều mà các hãng công nghệ không có. Đồng thời, Công ty đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ như quảng cáo trên taxi…

Tuy vậy, kết quả của các giải pháp đó dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thực tế, quy mô hoạt động của Công ty Vinasun ngày càng bị thu hẹp với số nhân sự và tài sản cố định sụt giảm, kéo theo sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận.

Tin bài liên quan