Vinashin đổi nợ cũ lấy trái phiếu

Vinashin đổi nợ cũ lấy trái phiếu

Vinashin đã thỏa thuận được với 51% số chủ nợ, những người nắm giữ 75% tổng số nợ, về cách tái cơ cấu khoản nợ của mình.

Theo cách này, Vinashin sẽ phát hành 623 triệu USD trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh với kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm, không trả lãi và gốc hàng năm mà trả một lần cả gốc và lãi khi đáo hạn. Nói cách khác sau 12 năm Vinashin (hoặc nếu Vinashin không trả được) thì Chính phủ phải trả tổng cộng 697,76 triệu USD cho những người nắm giữ trái phiếu Vinashin. Theo nhiều chủ nợ thì món nợ đầu tư này thực sự có” hời”, nếu biết cách đầu tư.

 

Khoản đầu tư hấp dẫn ?

Ông Nguyễn Mạnh Hải - Giám đốc Cty Kiểm toán AVA nhận xét: “Vinashin thỏa thuận được như vậy với các chủ nợ thì đây là giải pháp tái cơ cấu nợ một cách rất thành công. Và cách làm như vậy không xa lạ trên thị trường tài chính. Nó cũng có thể chấp nhận được đối với các chủ nợ ban đầu vì họ chắc chắn được trả sau 12 năm vì có bảo lãnh của Chính phủ. Với các chủ nợ mới đã mua lại được trái phiếu Vinashin với giá rẻ, thí dụ 30% của mệnh giá, thì họ có lời kha khá (được lãi gần 11%/năm), còn nếu đã mua với 20% mệnh giá thì lãi lên đến 15,8%/năm và đây thực sự là một khoản đầu tư rất hấp dẫn.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Thành viên hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, việc phát hành trái phiếu của Vinashin, theo cách trên, sẽ đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại hệ thống nợ của Vinashin nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Theo bình luận của nhiều chuyên gia, điều này chứng tỏ nhà nước có khả năng đứng ra mua lại nợ xấu dưới các hình thức khác nhau mà giới quan sát quốc tế đang nhìn nhận là hiện thực. Theo dự đoán của các chủ nợ, sau khi xử lý nợ trong nước của Vinashin, có khả năng VN sẽ tháo gỡ nợ quốc tế của tập đoàn này. Vinashin phát hành trái phiếu quốc tế mới để hoán đổi nợ cũ là một khả năng.

Được biết, với sự dàn xếp của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, tháng 6/2007, Vinashin đã vay bằng cách phát hành 600 triệu USD trái phiếu với kỳ hạn 8 năm. Những người mua trái phiếu này là các chủ nợ của Vinashin. Các chủ nợ có thể bán trái phiếu trên thị trường cho người khác và người cầm trái phiếu này trở thành chủ nợ mới của Vinashin. Vì thế số chủ nợ và giá mua bán lại trái phiếu Vinashin có thể thay đổi theo thời gian và nhất là theo khả năng trả nợ của Vinashin. Vì thế sau sự kiện không trả được 180 triệu USD gốc và 23 triệu tiền lãi vào cuối 2010 và đầu 2011, giá trái phiếu Vinashin trên thị trường đã sụt đáng kể. Đã có chủ nợ bán tháo trái phiếu Vinashin cho nhà đầu tư khác.

Như vậy, việc phát hành thêm 623 triệu USD trái phiếu vào năm 2013, liệu Vinashin có trả đúng hạn? Nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngờ khả năng trả nợ đúng hạn của Vinashin. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà đầu tư thì đây vẫn như một “canh bạc” thì với mức lãi suất 15,8% cực kỳ hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ngày càng giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận bao giờ cũng đi kèm với rủi ro thì đây vẫn là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư.

Các khoản nợ đã quá hạn của Vinashin đều đã được các chủ nợ là ngân hàng, Cty tài chính xếp vào nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro. Mức độ trích lập dự phòng của mỗi ngân hàng - chủ nợ khác nhau nhưng mức trích lập đều đã lên tới cả ngàn tỉ đồng. Rất khó biết chính xác số nợ của Vinashin bao nhiêu là có tài sản đảm bảo.

 

Gói xử lý đồng bộ

Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu phương thức hoán đổi nợ cũ lấy trái phiếu mới. Cho dù tỉ lệ hoán đổi là bao nhiêu, thì nó cũng không khác so với cách thức xử lý trả 25% tổng nợ bằng trái phiếu. Vấn đề ở chỗ, nếu một tỉ lệ hoán đổi quá thấp, các chủ nợ sẽ là người bị thiệt hại. Hơn nữa, một gói xử lý đồng bộ bao gồm một phần trả bằng trái phiếu, một phần đưa ra cơ chế mới trong một thời gian nhất định một phần khoanh, giãn tỏ ra thích hợp với hiện tại. Bởi bất kỳ một sự hoán đổi nào dẫn đến khả năng không thu hồi đủ số nợ đã cho vay cũng buộc các chủ nợ phải hạch toán mất vốn. Điều này hẳn không ngân hàng hay Cty tài chính nào mong muốn.

Thế còn các Cty khác thì sao, liệu Vinashin có được họ xóa nợ? Theo Báo cáo Tài chính của Cty kiểm toán Deloitte tại ngày 30/6/2012, tổng dư nợ tín dụng mà Cty Tài chính Dầu khí (PVFC) đã cấp cho một số Cty thuộc Vinashin là 1.069,4 tỉ đồng, cấp cho một số Cty thuộc Vinalines là 80,97 triệu USD tương đương với 1.686,5 tỉ đồng.

Cty kiểm toán Deloitte cho biết, căn cứ vào văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về xem xét khoanh nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của Vinashin, PVFC đã thực hiện ý kiến chỉ đạo giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại đối với Vinashin kể từ năm 2009, đồng thời, cũng theo tinh thần này, PVFC chưa trích lập dự phòng bổ sung đối với một số Cty thuộc Vinashin.

Ngoài việc Vinashin được PVFC khoanh nợ, có bao nhiêu NH khác đành  “ngậm ngùi”  khoanh nợ, cơ cấu lại khoản nợ và không phải trích lập dự phòng cho Vinashin? Số nợ quá hạn, nợ xấu thực tế ở hệ thống ngân hàng là bao nhiêu?

Thực tế cho thấy, đối với dư nợ cho vay Vinashin, nhiều NHTM đã không trích dự phòng các khoản cho vay này theo một cơ chế riêng. Sự đổ vỡ của HBB khiến cho ngân hàng này buộc phải sáp nhập SHB trong khi tỉ lệ nợ xấu mà HBB công bố là một sự báo động lớn.

Theo ý kiến kiểm toán của Cty kiểm toán Deloitte trong báo cáo tài chính của Oceanbank ghi rõ: "Ngày 31/12/2011, Oceanbank nắm giữ các khoản tiền gửi, dư nợ tín dụng và đầu tư trái phiếu của ngân hàng với Tập đoàn Vinashin và một số Cty thuộc tập đoàn này đã quá hạn thanh toán. Tuy nhiên, căn cứ vào văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về xem xét khoản nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của Vinashin, ngân hàng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo, giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại và không trích lập dự phòng với các khoản nợ và phải thu trên. Hiện tại, Oceabank đang tiếp tục làm việc với Vinashin và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản nợ và phải thu này".

TS Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng ban cải cách DN (CIEM) cho rằng, do phân cấp nên cuối cùng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về hoạt động của DNNN, tất cả là trách nhiệm tập thể. Mỗi khi có vấn đề phát sinh mới thanh, kiểm tra, giám sát nên không ngăn ngừa được tiêu cực, thua lỗ mà chỉ là khắc phục hậu quả. Một vấn đề quan trọng khác là ngay cả khi có quy định rõ ràng, các DNNN không thực hiện cũng không có cơ quan nào nhắc nhở, đốc thúc hoặc có chế tài rõ ràng. Suy cho cùng, dù hệ thống ngân hàng có trích lập dự phòng hay không thì các khoản nợ của Vinashin không phải chỉ có hệ thống ngân hàng gánh chịu...