Ông Phạm Công Tứ,Tổng giám đốc Vinare

Ông Phạm Công Tứ,Tổng giám đốc Vinare

Vinare và vai trò trụ cột trong các chương trình bảo hiểm lớn

(ĐTCK) Trong các chương trình thí điểm bảo hiểm lớn của Chính phủ, ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, không thể không nhắc đến vai trò của nhà tái bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam - Tổng CTCP Tái báo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare). Vinare là nhà tái bảo hiểm duy nhất tại Việt Nam tham gia cả hai chương trình thí điểm bảo hiểm lớn, là nông nghiệp và thủy sản.

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg/2011 được Bộ Tài chính tổ chức hồi tháng 6/2014, Ban chỉ đạo đã đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Vinare trong việc phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thiết kế sản phẩm, xây dựng biểu phí, để đảm bảo sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đi vào đời sống - sản xuất của người nông dân; đặc biệt là việc thu xếp tái bảo hiểm thành công cho Chương trình. Tổng số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm các nhà tái bảo hiểm thông qua Vinare đạt con số 528 tỷ đồng.

Nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố thời tiết, dịch bệnh, do vậy, việc thu xếp tái bảo hiểm của Vinare với các nhà tái giúp giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chương trình, được Ban chỉ đạo Chương trình thí điểm đánh giá là rất cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt trong trường hợp tổn thất lớn xảy ra. Thực tế cho thấy, trước tổn thất lớn của các chủ hộ nuôi trồng thủy sản do dịch bệnh, nhà tái bảo hiểm Swiss Re (cũng là cổ đông chiến lược nước ngoài duy nhất tại Vinare) đã thực hiện bồi thường lên tới gần 434 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, các chương trình bảo hiểm lớn khó có thể triển khai, nếu thiếu sự hỗ trợ của các nhà tái bảo hiểm quốc tế, vì thị trường bảo hiểm trong nước không thể giữ lại hơn 10% rủi ro. Do đó, việc hợp tác giữa nhà tái bảo hiểm hàng đầu trong nước như Vinare và đứng đầu thế giới như Swiss Re được coi là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của chương trình bảo hiểm này.

Tương tự như Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, với Chương trình thí điểm bảo hiểm thủy sản, một chính sách bảo hiểm quan trọng của Chính phủ, nhằm hỗ trợ cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác hải sản xa bờ, hơn thế là nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, Vinare cũng đóng vai trò là đầu mối thu thập số liệu, phân tích và định phí cũng như thu xếp tái bảo hiểm với thị trường tái bảo hiểm quốc tế.

Ngoài ra, Vinare còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm và cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm lớn nghiên cứu, triển khai các nghiệp vụ mới như: bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm thiên tai…

Trong hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Vinare đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tổng công ty đã thực hiện tốt vai trò là trung tâm điều tiết nhận và nhượng tái bảo hiểm trên thị trường, chuyển nhượng cho thị trường trong nước, với lượng phí tái bảo hiểm trên 4.000 tỷ đồng, giảm thiểu chuyển nhượng phí tái bảo hiểm ra thị trường nước ngoài. Cùng với đó, Vinare đã hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước về thu xếp nhận, nhượng tái bảo hiểm với thị trường quốc tế, làm đầu mối về thông tin, đào tạo, kiểm soát rủi ro cho thị trường; tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác.

Vinare đã vươn lên trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500). Năm 2014, Vinare nằm trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam và Top 100 doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam năm 2014.

Những đóng góp to lớn của Vinare đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành đã được Nhà nước ghi nhận bằng hàng loạt những phần thưởng cao quý. Năm 2014, Vinare đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Tin bài liên quan