Ông Nguyễn Lâm Viên

Ông Nguyễn Lâm Viên

Vinamit đưa cà phê vào siêu thị Trung Quốc

Tháng 12, Vinamit sẽ đưa cà phê nhãn hiệu Vinamit vào các hệ thống siêu thị tại Trung Quốc.

Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đang triển khai dự án đưa hàng Việt vào các hệ thống siêu thị Trung Quốc.

 

Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao , Tổng Giám đốc công ty Vinamit khẳng định chỉ sau 2 đến 3 tháng, hàng Việt Nam sẽ có mặt trên kệ siêu thị Trung Quốc. Ông Viên cho biết:

 

Xuất phát từ việc dòng chảy hàng hóa Trung Quốc đang tràn vào không chỉ thị trường Việt Nam mà tất cả các nước Asean với khối lượng rất lớn. Trong khi hàng Việt cũng như các nước khác có mặt ở Trung Quốc rất khiêm tốn. Chính điều đó Hội đi tiên phong, lội dòng nước ngược đưa hàng Việt sang Trung Quốc và dự án bắt đầu từ đầu năm.

 

Đến nay đã làm được những gì rồi, thưa ông?

 

Tháng 5, chúng tôi đã đưa đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi khảo sát thị trường Trung Quốc và chúng tôi tăng cường đưa hàng sang nước này.

 

Tháng 7, đại diện của hội cũng đã sang Thượng Hải khảo sát nhằm xây dựng một văn phòng đại diện của các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cùng với văn phòng hiện tại ở Quảng Châu.

 

Một lượng hàng mẫu lớn của thực phẩm SG Foods, bột Tài Ký, bánh Ánh Hồng… đã được chào hàng trực tiếp đến các nhà phân phối lớn.

 

Riêng Vinamit, tháng 12 tới đây chúng tôi sẽ chính thức đưa cà phê nhãn hiệu Vinamit vào các hệ thống siêu thị tại Trung Quốc. Còn các loại trái cây sấy khô đã đưa từ lâu rồi, và đã có mặt trên kệ của mấy chục siêu thị. Riêng hệ thống siêu thị Wall Mart ở Trung Quốc, doanh số của Vinamit là 3-5 triệu USD/năm.

 

Từ xưa đến nay, các doanh nghiệp Việt đưa hàng sang Trung Quốc toàn đi theo đường tiểu ngạch (biên mậu). Đi theo con đường này, hàng chỉ có thể được chuyền qua tay các tiểu thương nhỏ để ra thị trường và không thể vào kệ siêu thị vì không được kiểm định, không có hóa đơn VAT...

 

Giờ muốn đi bằng đường chính ngạch thì phải có một quá trình chuẩn bị các vấn đề liên quan đến pháp lý ở thị trường đó và khi có đầy đủ rồi thì doanh nghiệp mới có thể đưa hàng sang theo đường chính ngạch.

 

Để hàng Việt đi theo con đường chính ngạch đứng vững trong các siêu thị Trung Quốc, đòi hỏi phải cần những yếu tố gì?

 

Doanh nghiệp phải có văn phòng kinh doanh tại đó, đó là yếu tố bắt buộc. Nhiều doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao khác cũng đã mở văn phòng ở Trung Quốc như giày dép Bitis, Bitas, bút bi Thiên Long, cân Nhơn Hòa... Ngoài ra, doanh nghiệp phải am hiểu thị trường.

 

Khi hiểu được thị trường thì doanh nghiệp mới chịu tìm phương pháp, con đường để thâm nhập vào thị trường này.

 

Ông có nói là chỉ mất từ 2-3 tháng là có thể đưa hàng sang siêu thị Trung Quốc?

 

Chúng tôi đang làm công tác chuẩn bị để đưa hàng của một doanh nghiệp rất lớn ở Việt Nam (tạm thời chưa nêu tên) sang siêu thị Trung Quốc và tôi cam kết ngày thứ 30 kể từ khi ký hợp đồng, chúng tôi sẽ đưa hàng của họ lên kệ siêu thị Trung Quốc và ngay ngày đầu tiên hàng sẽ có mặt đồng loạt ở 100 siêu thị. Dự kiến trong tháng 12 này sẽ chính thức ký kết triển khai.

 

Trung Quốc là nơi xâm hại bản quyền rất nhanh, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để chống lại việc bị mất bản quyền thương hiệu hàng hóa?

 

Việc đầu tiên khi cầm sản phẩm là tôi sẽ hỏi doanh nghiệp, rằng anh đã đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tại Trung Quốc chưa? Nếu chưa, phải đi làm liền. Nếu không biết làm, đưa tôi làm hộ.

 

Trước khi ký hợp đồng đưa hàng vào siêu thị Trung Quốc thì những chuyện như thế là phải xong hết, còn nếu không làm thì tôi sẽ nói trước, hàng này vừa xuất hiện trên kệ là lập tức có người gõ lên máy liền xem là đã đăng ký bảo hộ chưa. Nếu chưa đăng ký, họ đăng ký ngay, thế là mình mất.

 

Trung Quốc là thị trường lớn, rất nhiều hàng nông sản xuất phát từ đó, giá lại rất rẻ, vậy làm thế nào để ta lội ngược dòng thành công?

 

Người tiêu dùng Trung Quốc đang có 2 xu hướng, thứ nhất họ quá quen dùng sản phẩm nội địa, và ngày hôm nay họ muốn tìm ra sự khác biệt so với những người xung quanh. Nhà kinh doanh cũng vậy, không muốn kinh doanh sản phẩm nội địa vì cạnh tranh sát nút, không có nhiều lời lãi.

 

Thứ hai là họ hoảng sợ, lo lắng và mất niềm tin về chất lượng của những sản phẩm trong nước của họ và đó chính là cơ hội cho chúng ta.