Minh bạch, phát triển bền vững vì cộng đồng
Lịch sử chấm giải BCTN cho thấy, muốn đến được với ‘ngôi vương’, BCTN phải vượt qua sự đánh giá khắt khe, kỹ lưỡng của Hội đồng bình chọn, dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là chuẩn mực, minh bạch, chuyên nghiệp và sáng tạo. Cả 4 tiêu chí này đều được Vinamilk thể hiện một cách rõ ràng trong báo cáo.
Trong BCTN của Vinamilk có một điểm đáng chú ý, nếu như tầm nhìn 2012 của Công ty là trở thành biểu tượng số 1 của Việt Nam thì tầm nhìn 2013 là trở thành biểu tượng “mang tầm vóc thế giới” trong lĩnh vực thực phẩm và thức uống, nơi mà tất cả mọi người đặt trọn niềm tin vào sản phẩm an toàn, dinh dưỡng.
Về nội dung phát triển bền vững, với cấu trúc chặt chẽ, ngoài các chỉ số về môi trường và xã hội, báo cáo của Vinamilk đã đề cập cụ thể sự tham gia của các bên liên quan, chiến lược phát triển bền vững được hoạch định bằng các chương trình hành động rõ ràng, được lồng ghép vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
“Điều này cho thấy, phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu suông, mà phần nào đó đã được doanh nghiệp cụ thể hóa vào các hoạt động hàng ngày”, một thành viên Hội đồng bình chọn nhận xét.
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, với triết lý phát triển bền vững, bên cạnh mục tiêu tài chính, Vinamilk luôn chú trọng đến việc hoàn thành mục tiêu trên các phương diện về nhân viên, xã hội và hệ thống. Đối với nhân viên, Vinamilk thực hiện chế độ bảo hiểm sức khỏe cho toàn bộ cán bộ - công nhân viên, nâng cao chất lượng nguồn lực và duy trì đội ngũ thông qua triển khai công tác hoạch định nhân sự kế thừa... Đối với xã hội, cộng đồng, ngoài nghĩa vụ đóng thuế luôn được Vinamilk tuân thủ nghiêm ngặt, Công ty còn chia sẻ trách nhiệm với xã hội thông qua các hoạt động thiết thực như tài trợ học bổng, tổ chức chương trình phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ em Việt Nam thông qua Quỹ sữa vươn cao Việt Nam, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam xanh, sạch, đẹp thông qua Chương trình Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam. Đối với hệ thống hoạt động, Vinamilk từng bước triển khai hoàn thiện trên tất cả các mặt như quản trị công ty, quản trị nhân sự, quản trị dự án…
Hệ thống vắt sữa tự động hiện đại tại Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An
Năm 2013, sau quá trình đầu tư đầy nỗ lực và tâm huyết, Vinamilk đã khánh thành và đưa vào hoạt động 2 “siêu nhà máy” hiện đại bậc nhất thế giới tại Bình Dương là Nhà máy sữa bột Việt Nam có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 4/2013 và Nhà máy sữa Việt Nam (chuyên sản xuất sữa nước) có vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, khánh thành tháng 9/2013.
Đồng thời, Vinamilk tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu bao gồm đầu tư trang trại, mở rộng đàn bò sữa, đầu tư phát triển hộ nông dân chăn nuôi bò sữa. Cuối năm 2013, Vinamilk có 5 trang trại bò với tổng đàn bò sữa hơn 8.800 con. Năm 2014, Công ty đã bước đầu hiện thực hóa kế hoạch chọn lọc và nhập khẩu 5.000 con bò sữa cao sản từ Úc và Mỹ về để mở rộng hệ thống đàn bò nguyên liệu. Đây sẽ là nguồn con giống bò sữa triển vọng để nâng cao khả năng sản xuất của bò sữa Việt Nam, góp phần cải thiện chất lượng và sản lượng sữa, nâng cao số lượng đàn bò.
“Trong bối cảnh giá sữa thế giới ngày càng biến động, không ổn định, việc đầu tư các trang trại chăn nuôi bò sữa và chủ động nguồn nguyên liệu sữa tươi tại chỗ là một mục tiêu chiến lược quan trọng và là hướng đi lâu dài giúp Vinamilk nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ nội địa hoá nguồn nguyên liệu”, lãnh đạo Vinamilk chia sẻ.
Dự kiến, trong năm 2014 và 2015, Vinamilk đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại mới tại Tây Ninh, Hà Tĩnh và Thanh Hóa, nâng tổng số trang trại bò sữa của Vinamilk lên 9 trang trại, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu (trong đó sữa tươi nguyên liệu từ trang trại chiếm 20%, còn lại 20% của các hộ nông dân).
Có thể nói, Vinamilk sau giai đoạn đầu tư bề rộng đã bắt đầu đầu tư vào chiều sâu và trọng tâm đầu tư được lãnh đạo Công ty xác định rõ: “Đầu tư sở hữu công nghệ hiện đại chính là chìa khóa giúp Vinamilk cất cánh và hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững”.
Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam do Vinamilk tài trợ trao sữa cho con em gia đình thương binh liệt sĩ của Quảng Trị nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7
Vươn tầm thế giới
Tháng 5/2014, Vinamilk chính thức khởi công xây dựng nhà máy sữa tại Campuchia. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk góp 51%. Theo kế hoạch, năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động, doanh thu năm đầu tiên dự kiến đạt 35 triệu USD và tăng dần qua các năm.
Mới đây nhất, Vinamilk nhận được giấy phép đầu tư vào Ba Lan, với quy mô khoảng 3 triệu USD. Dự án này sẽ đóng vai trò cung cấp nông sản và gia súc để hỗ trợ sản xuất các sản phẩm cốt lõi của Vinamilk là các sản phẩm sữa, đồ uống và thực phẩm. Theo lãnh đạo Vinamilk, dự án tại Ba Lan còn là cửa ngõ cho Công ty tiếp cận và mở rộng thị trường Châu Âu. Ngoài hai dự án mới nêu trên, Vinamilk đang xem xét khả năng đầu tư vào Myanmar và một số nước khác.
Tháng 8 tới, dây chuyền sản xuất sữa tươi tại Miraka (New Zealand) do Vinamilk nắm giữ 19,3% cổ phần dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động. Dây chuyền có công suất 60 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư hơn 20 triệu USD. Với việc đầu tư dây chuyền này, Vinamilk sẽ gia tăng sản lượng sữa tươi đóng hộp nhập về Việt Nam với thương hiệu Twin Cows.
Trước đó, Vinamilk đã rất thành công trong việc đầu tư và vận hành các dự án liên quan đến sữa. Đơn cử, tại Mỹ, Vinamilk đã hoàn tất những thủ tục cần thiết để mua 70% cổ phần Nhà máy sữa Driftwood. Driftwood là một trong những nhà sản xuất sữa lớn tại California (Mỹ) và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học theo chương trình sữa học đường của Los Angeles thuộc bang California.
Ông Richard De Boer, đại diện Global G.A.P. ConTrolUnion (Hà Lan) – một tập đoàn quốc tế chuyên về hoạt động kiểm định và chứng nhận độc lập trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Thực Hành Nông Nghiệp Tốt Toàn cầu (Global G.A.P.) cho trang trại của Vinamilk dưới sự chứng kiến của Ngài Phó Đại sứ Hà Lan, lãnh đạo UBND Tỉnh Nghệ An và lãnh đạo Bộ NN & PTNT
Với vị trí công ty sữa lớn nhất Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 1976, thị phần hiện tại hơn 50% trong ngành sữa Việt Nam, trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán với tổng trị giá lên đến 5,3 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng tổng doanh số, lợi nhuận trước thuế và vốn chủ sở hữu bình quân trong 5 năm trở lại đây lần lượt là 31%, 31%, 28%, mục tiêu đạt tổng doanh số 3 tỷ USD và đứng vào Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 của Vinamilk đang dần trở thành hiện thực.